A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyên Đề: Đặc trưng của Chủ nghĩa lãng mạn qua một số truyện ngắn lãng mạn lớp 11   

PHẦN MỞ ĐẦU

 1. Lý do chọn đề tài

          Chủ nghĩa lãng mạn là một hiện tượng văn học quan trọng nhất của thế kỷ XIX ở phương Tây, đồng thời đây cũng là một trào lưu lớn của văn học Việt Nam từ 1932 – 1945, có ý nghĩa tích cực thúc đẩy nền văn học nước nhà phát triển theo hướng hiện đại. Vì vậy tìm hiểu đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn ở một số truyện ngắn lớp 11. Chúng ta đã có trong tay chìa khóa để mở ra thế giới muôn màu sắc của văn chương nhân loại và văn học Việt Nam. Đặc biệt, với đề tài này người viết sẽ có điều kiện đối chiếu văn học lãng mạn Việt Nam và phương Tây để thẩm thấu được bản sắc riêng của văn học mỗi dân tộc.

Qua thực tế giảng dạy môn Ngữ văn ở trường THPT, chúng tôi thấy một nhược điểm phổ biến là học sinh chỉ nắm được từng tác phẩm cụ thể, mà chưa có cái nhìn tổng thể hay kiến thức lý luận khái quát về đặc trưng thể loại, hay đặc trưng của trào lưu, phương pháp sáng tác…Vì vậy khi tìm hiểu đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn, giáo viên sẽ giúp học sinh có được kim chỉ nam để đọc hiểu được mọi tác phẩm lãng mạn một cách khoa học.

2. Lịch sử vấn đề

Đã có rất nhiều công trình lí luận, phê bình văn học bàn về đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn như: Lý luận văn học (Phương Lựu chủ biên, NXB Giáo dục, HN. 2002), Văn học phương Tây (Đặng Anh Đào cùng các tác giả khác, NXB Giáo dục, H.2002); Văn học Việt Nam 1900 – 1945 (Phan Cự Đệ cùng các tác giả khác, NXB Giáo dục, H.2003), Thi nhân Việt Nam (Hoài Thanh – Hoài Chân, NXB Văn học, H.1999),… Đó là những tài liệu quý giá, gợi ý trực tiếp cho chúng tôi thực hiện đề tài này.

3. Phạm vi vấn đề

Chủ nghĩa lãng mạn phát triển nở rộ nhất ở Pháp – “nền văn học chủ đạo của châu Âu” (M.Gorki). Vì vậy, khi thực hiện chuyên đề này, chúng tôi chỉ khảo sát trực tiếp những tác phẩm văn học lãng mạn Pháp, mà chủ soái là V.Huy-gô; những tác phẩm văn học lãng mạn Việt Nam, trọng tâm là thơ Mới (đặc biệt là những thi phẩm của các tác giả được học trong chương trình như: Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Thâm Tâm, Nguyễn Bính,…) và văn xuôi lãng mạn (tiêu biểu là Thạch Lam và Nguyễn Tuân…)

 

4. Mục đích nghiên cứu

Là một giáo viên dạy văn cấp THPT, tìm hiểu đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn, cũng là một cách người viết tự học, tự nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Hơn nữa, chúng tôi mong muốn qua đề tài này sẽ giúp học sinh tìm được một con đường đi hiệu quả, để khám phá thế giới nghệ thuật phong phú trong những tác phẩm văn học lãng mạn đặc sắc. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để người viết được trao đổi với đồng nghiệp về phương pháp sáng tác của một chủ nghĩa lớn trong văn học.

5.  Phương pháp nghiên cứu

Phân tích bình giảng

Thống kê phân loại

So sánh đối chiếu

6. Cấu trúc chuyên đề.

Phần mở đầu

Phần nội dung

- Chương 1:  Khái quát chung về văn học lãng mạn

          - Chương 2: Những nguyên tắc mĩ học của chủ nghĩa lãng mạn

          - Chương 3: Đặc trưng chủ nghĩa lãng mạn qua hai tác phẩm “ chữ người tử tù” Nguyễn Tuân và “ Hai đứa trẻ ” Thạch Lam.

          - Chương 4 :  Hướng dẫn học sinh tìm hiểu để thấy sự khác nhau giữa  chủ nghĩa lãng mạn với CN hiện thực.

 

NỘI DUNG

 

Chương 1: Khái quát chung về văn học lãng mạn

Đây là một trong những trào lưu văn hóa lớn nhất ở Âu – Mĩ vào cuối thế kỉ XVIII, nửa đầu thế kỉ XIX, có ảnh hưởng và có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của văn học toàn thế giới.

1. Cơ sở hình thành

1.1. Cơ sở xã hội

Thời đại của chủ nghĩa lãng mạn là một thời đại đặc biệt giàu biến động (riêng nước Pháp, một trung tâm quan trọng của nền văn học châu Âu, vào đầu thế kỉ đã trả qua hai mươi lăm năm liền cách mạng và chiến tranh liên tiếp). Cuộc đại cách mạng tư sản năm 1789 . Sự sụp đổ của chế độ phong kiến, và sự kiến tạo những quan hệ xã hội mới đã tác động sâu xa đến tư tưởng, tình cảm của mọi tầng lớp xã hội. Một mặt, cách mạng tư sản đã làm dấy lên sự bất mãn của những người đại biểu cho ý thức hệ quý tộc, bất bình trước trật tự xã hội mới, lo sợ trước phong trào quần chúng, hoang mang dao động vì tương lai mờ mịt, luyến tiếc thời oanh liệt nay không còn nữa. Tâm lý thời đại dẫn đến sự ra đời của chủ nghĩa lãng mạn .Chủ nghĩa lãng mạn khi không bằng lòng với thực tại, đã khát khao vươn tới một xã hội lý tưởng trong mơ ước.

Tóm lại: Sự sụp đổ của thể chế phong kiến, sự thắng lợi của quan hệ xã hội tư sản và lòng bất bình của nhiều tầng lớp, giai cấp đối với trật tự xã hội mới là tiền đề lịch sử của nền văn học lãng mạn châu Âu. Pha-ghê, một nhà nghiên cứu văn học Pháp đã viết rằng: “Cơ sở của chủ nghĩa lãng mạn là sự ghê tởm đối với thực tại và nguyện vọng mãnh liệt muốn thoát ra khỏi thực tại đó.”

1.2. Cơ sở ý thức

Chủ nghĩa lãng mạn ra đời còn do sự tác động của chủ nghĩa xã hội không tưởng, mơ ước mang đến một tương lai hạnh phúc, tốt đẹp cho con người.  Tài sản chung của tất cả các dân tộc” (Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản). Sự thực thì chủ nghĩa duy tâm cổ điển Đức, tự bản thân nó cũng là một trào lưu lãng mạn trong triết học. Đặc biệt chủ nghĩa duy tâm chủ quan của Căng đã nâng tâm linh con người lên địa vị làm chủ sáng tạo thế giới, nhấn mạnh thiên tài, linh cảm, tính năng động chủ quan. Chủ nghĩa duy tâm khách quan của Hêghen lại khẳng định con người là tuyệt đối vô hạn, là đỉnh cao của sự phát triển của tinh thần thế giới. Gớt lại rất nhấn mạnh đặc trưng của cá tính… Những quan điểm triết học và mĩ học đề cao con người này đã phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa cá nhân trong xã hội tư sản cận đại. Mặt tích cực của nó là nâng cao sự tôn nghiêm, khẳng định ý thức tự chủ ở con người. Tuy vậy, triết học và mĩ học duy tâm cổ điển Đức lại đề cao con người tách khỏi thực tế xã hội và lịch sử. Những tư tưởng triết học ấy có ảnh hưởng nhất định tới các nhà văn lãng mạn tích cực và tiêu cực. Trong bối cảnh đó đã xuất hiện nhiều khuynh hướng, nhiều trào lưu nghệ thuật, trong đó có chủ nghĩa lãng mạn, có mặt trong lĩnh vực văn chương, hội họa, âm nhạc…

 

2. Giới thuyết về khái niệm: chủ nghĩa lãng mạn trong văn học

          Từ lãng mạn (romanticism, romantisme) xuất phát từ tình ca (romances) của thời trung cổ, để chỉ những bài thơ dài nói về những chàng kỵ sĩ, những anh hùng, về những vùng đất xa xôi và những cuộc tình lỡ làng…. Biêlinxki trong bài Văn học Nga, năm 1841, định nghĩa: “Chủ nghĩa lãng mạn, đó là thế giới nội tâm của con người, thế giới của tâm hồn và trái tim”.

          Chủ nghĩa lãng mạn xuất hiện vào cuối thế kỉ XVIII, nghĩa ban đầu là những cái không có thực, chỉ tồn tại trong sách vở, trong trí tưởng tượng. Sang thế kỷ XIX, chủ nghĩa lãng mạn không chỉ dừng lại ở đó, mà trở thành thế giới quan của thời đại: cách nhìn, cách đánh giá, thẩm định thế giới. Đó là sự phản ứng mang tính tích cực chống lại sự thống trị của tư sản. Chủ nghĩa lãng mạn là tiếng nói của những con người có văn hóa, có lương tri, của những trí thức tiến bộ. Họ căm ghét sự thống trị tư sản, vì giai cấp tư sản đã biến những lời hứa tốt đẹp của những nhà triết học ánh sáng thành những bức tranh châm biếm, biến xã hội mơ ước thành hiện thực đau thương, đẫm máu.

          Chủ nghĩa lãng mạn như là sự tiếp nối của chủ nghĩa tình cảm. Đặc biệt là Rút-xô, thể hiện tình yêu thương con người một cách hào hiệp. Nên các nhà văn lãng mạn đã thể hiện thái độ chống lại thực tại tư sản, tạo ra một xã hội mới, tìm lối thoát cho nhân loại bằng cách: Tìm về với quá khứ, với ánh hào quang của xã hội nguyên thủy, với những đấng mình quân của xã hội phong kiến; hoặc tìm đến một tương lai mới, mà ở đó chưa có giai cấp tư sản. Tuy nhiên cả hai lối thoát này đều không có thực. Chủ nghĩa lãng mạn đã trở thành thế giới quan của châu Âu, đem đến một luồng sinh khí, tạo nên sức mạnh cho nhân loại.

Chương 2: Những nguyên tắc mĩ học của chủ nghĩa lãng mạn

1. Đề cao tình cảm của cá nhân con người

“Văn học và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm, mà tâm điểm là con người”(Nguyễn Minh Châu). Văn học là hình thái ý thức xã hội luôn phản ánh tồn tại xã hội, mà trung tâm là hình tượng con người. Con người trong xã hội tư bản bị o ép, bị bóc lột trên mọi phương diện, họ chìm trong đau khổ và không tìm thấy cứu cánh cho cuộc đời. Vì vậy, họ đã chạy trốn thực tại, rúc sâu vào trong tâm hồn, trong bản ngã, tìm về cái tôi của mình và sống với thế giới tâm hồn riêng. Con người đã phát hiện ra thế giới tâm hồn của mình vô cùng phong phú đa dạng như cây đàn muôn điệu, và thể hiện nó một cách ám ảnh và xúc động trên trang giấy. Nếu như chủ nghĩa hiện thực phản ánh cuộc sống một cách khách quan, thì chủ nghĩa lãng mạn lại phản ánh cuộc sống một cách chủ quan thông qua tình cảm, cảm xúc của người nghệ sỹ. Nhà lãng mạn thời kỳ đầu của Pháp Lamactin đã nói: “Tôi là người đầu tiên làm cho thơ ca rời khỏi núi Pacnatxo (núi thơ). Tôi đã tặng cho nàng thơ không phải là cây đàn Lia bảy dây quy ước, mà là những thớ của con tim đang thổn thức.” Đó là cơ sở cho sự phát triển của một thể loại đặc sắc trong văn học, đó là thơ, đặc biệt là thơ trữ tình.

Nếu chủ nghĩa cổ điển đề cao cái ta lỗi thời thì chủ nghĩa lãng mạn đề cao cái tôi cá nhân. Con người có điều kiện bộc lộ vẻ đẹp của riêng mình. Đó chính là một hình thức đề cao con người. Nhưng cái tôi ở đây không phải là cá nhân riêng tư của một người nào, mà là tiếng lòng của cả một thời đại. Cái tôi mang một phẩm chất mới, cái tôi cộng đồng, tập thể. Bởi vậy, tiếng nói của trái tim mới đến được với trái tim và văn học lãng mạn đã trở thành món ăn tinh thần của cả thời đại. V. Huy-gô đã nói: “Ôi, con người khờ khạo. Anh không biết rằng tôi đang nói về tôi, chính là đang nói về anh đó”.

Trong văn xuôi lãng mạn, ta cũng bắt gặp cảm hứng ra đi trong những trang văn của Nguyễn Tuân về đề tài “xê dịch”. Trước Cách mạng tháng Tám, cái tôi Nguyễn Tuân về cơ bản là cái tôi cá nhân chủ nghĩa đối lập với xã hội, thể hiện tâm trạng tù túng của một thanh niên giàu sức sống, đầy khát vọng tự khẳng định mình, nhưng lại bị vây riết giữa môi trường sống quẩn quanh, trì trệ, buồn tẻ của xã hội thực dân nửa phong kiến. Ảnh hưởng tư tưởng của Nitsơ, Gitđơ ở phương Tây, giang hồ, xê dịch với ông nhiều khi chỉ là để tìm mình, để thực hiện cái cá nhân mình cho đến kì cùng: “Rồi tôi vẫn vênh váo đi giữa cuộc đời như một viễn khách không có quê hương nhất định, cái gì cũng ngờ hết, duy chỉ có tin chắc ở cái kho, cái vốn tình cảm và cảm giác của mình”. Nhưng cái tôi Nguyễn Tuân vẫn không hoàn toàn đóng kín với cuộc đời. Ta tìm thấy bóng dáng của ông hóa thân vào nhân vật Bạch trong “Thiếu quê hương”. Với Bạch nhiều khi đi là lẽ sống, để tìm “thực đơn” mới mẻ cho tâm hồn, đi là “hạnh phúc”. Nhưng đôi khi chính anh ta lại mâu thuẫn: “Ta đi để mà đau khổ cả lúc đi lẫn lúc nghỉ, ơi ta ơi là ta ơi”. Ảnh hưởng thuyết siêu nhân của Nitsơ: siêu nhân là phải biết tàn nhẫn, phải biết vượt lên thứ luân lý của tình thương, Bạch thích lên giọng khinh bỉ tình cảm gia đình, những kẻ lên đường bịn rịn, những cuộc tiễn đưa sụt sùi nước mắt. Nhưng thực tế anh ta vẫn rất nặng lòng với gia đình. Đối với cha, anh ta phải thú nhận: “Lòng thương cha, ai mà không nặng”. Còn đối với vợ, anh ta tìm cách bới móc mọi khuyết điểm của vợ để có thể li dị, nhưng rồi anh ta lại nhận ra điều đó“thật không xứng đáng một tí nào với cái vẻ ngây thơ, thành thực của vợ chàng”. Như vậy, khác với nhân vật trong văn học phương Tây, họ sẵn sàng thoát ly gia đình để được sống phiêu lưu, mạo hiểm, để khẳng định cái tôi. Nhân vật của Nguyễn Tuân vẫn mang nặng tình cảm của con người Việt Nam, thoát ly gia đình nhưng vẫn nặng lòng với người thân. Đáng trân trọng hơn, họ xê dịch quẩn quanh, lẫn vào thú giang hồ lãng tử, nhưng trong lòng vẫn “yêu thương mà ngợi ca đất nước muôn vẻ muôn màu của mình”, và ghi lại những phong cảnh tuyệt đẹp của giang sơn Tổ quốc, trên mỗi bước đường đi qua đều đặt cả tâm hồn mình vào cỏ cây sông nước. Nhân vật của Nguyễn Tuân chính là hình bóng của nhà văn.  “Con người luôn cảm thấy “thiếu quê hương” ấy, thực sự lại gắn bó tha thiết với quê hương mình bằng biết bao sợi dây tình cảm tế nhị. Mà chính vì tha thiết với quê hương nên mới cảm thấy bơ vơ trong hoàn cảnh mất nước và mới có tâm trạng khắc khoải day dứt “thiếu quê hương… Đó là một tấm lòng An Nam hoàn toàn” (Nguyễn Đăng Mạnh). Sức hấp dẫn, giá trị muôn đời của những trang văn Nguyễn Tuân là ở đó.

Qua sự phân tích một số ví dụ ở trên đã cho chúng ta thêm căn cứ để hiểu sâu sắc hơn đặc trưng đầu tiên của chủ nghĩa lãng mạn, đó là đề cao tình cảm của cá nhân con người, hiểu con người là một “tiểu vũ trụ” với sự phong phú, vô bờ bến của tâm hồn và trí tuệ.

2. Nhân vật trung tâm

Nhân vật là hình ảnh con người được miêu tả cụ thể trong tác phẩm. Nhân vật luôn là phương tiện để nhà văn phản ánh hiện thực và ký thác tư tưởng tình cảm của mình. Mỗi phương pháp sáng tác lại có kiểu nhân vật đặc trưng. Nếu như chủ nghĩa hiện thực phê phán xây dựng được những nhân vật điển hình sắc nét, thì nhân vật của chủ nghĩa lãng mạn lại có vẻ đẹp phi thường, độc đáo.

2.1. Kiểu nhân vật cô độc

Kiểu nhân vật đặc trưng của văn học lãng mạn được thai nghén từ sự đấu tranh giữa cá nhân và xã hội. Đó là những người bất mãn với thực tại thối nát của xã hội tư sản. Họ không chấp nhận và chối bỏ xã hội. Ngược lại, xã hội cũng chối từ những con người ấy. Mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội là mâu thuẫn không thể giải quyết. Nhưng họ chỉ là những con người đấu tranh đơn độc, những con người cô độc. Trong cuộc đấu tranh ấy, phần thắng không thuộc về cá nhân. Nhưng những người anh hùng đơn độc ấy vẫn kiên quyết không từ bỏ lý tưởng của mình. Vì vậy họ thường mang vẻ mặt u buồn, không cười. Tiêu biểu cho kiểu nhân vật này là Ăng-giôn-rax trong tiểu thuyết “Những người khốn khổ” của V.Huygô. Vẻ đẹp của anh đã được nhà văn lý tưởng hóa cao độ. Theo quan điểm của Huygô, Ăng-giôn-rax là biểu tượng trọn vẹn cho cái cao cả, là lý tưởng của cách mạng. Và để hiển minh điều đó, nhà văn đã thể hiện nhân vật với những nét tuyệt đối và đặc biệt: “Vừa là đao phủ, vừa là thánh tăng, vừa là ánh sáng, vừa là pha lê”, lại “cứng như tảng đá”. Anh mang vẻ đẹp trẻ trung, thần thánh, là mẫu người anh hùng lý tưởng nhưng luôn mang “vẻ buồn trang nghiêm” của những người anh hùng đơn độc, khao khát đấu tranh với xã hội tư sản tàn ác để đem lại ấm no cho “những người khốn khổ”. Ăng-giôn-rax là người hy sinh cuối cùng trên chiến lũy với tám phát đạn. Chi tiết đó gợi cho ta liên tưởng đến hình tượng Chúa đóng đinh trên cây thánh giá để chuộc tội cho thiên hạ. Ăng-giôn-rax là biểu tượng cho những con người sẵn sàng hy sinh vì hạnh phúc của mọi người.

Điều đặc biệt, những nhân vật này vẫn tự hào và đầy kiêu hãnh, ở họ toát lên vẻ đẹp kiêu kỳ. Nhân vật lãng mạn gắn liền với chữ KIÊU:

2.2. Kiểu nhân vật tướng cướp – nhân vật nổi loạn

Trong những tác phẩm văn học lãng mạn còn xuất hiện kiểu nhân vật tướng cướp – nhân vật nổi loạn, nhưng là những tên cướp cao thượng, mang tính lý tưởng: lấy hành động của mình để cưu mang, cứu vớt đời. Đó là những con người thừa “đầu thai nhầm thế kỉ”.

Các nhà văn lãng mạn tích cực đều mang thái độ bất mãn sâu sắc với xã hội tư sản. Họ nhận thức được rõ ràng cái xã hội mới đáng lẽ cho phép từng người biểu lộ tài năng của mình và “tham gia vào sự thay đổi thế giới”, thì về thực chất lại là “một xã hội đã bị chắn ngang do sự tàn bạo của đồng tiền, sự tàn bạo này còn khắc nghiệt hơn cả sự tàn bạo của đẳng cấp và của giống nòi xưa kia”. Nhận thức sáng suốt đó về thực tại không hề thủ tiêu ý chí của nhân vật trung tâm trong chủ nghĩa lãng mạn tích cực. Gắn bó với ước vọng của nhân dân về một xã hội tốt đẹp hơn, hầu hết các nhà lãng mạn tích cực đều đã thể hiện trong tác phẩm của mình “giấc mơ về hành động thực tế của cá nhân, về chỗ cá nhân có thể thâm nhập vào thế giới và làm thay đổi được nó.” Nhân vật của họ thường là nhân vật phi thường, con người nổi loạn. Họ nổi loạn để tạo ra chỗ đứng của mình, nổi loạn để thế giới phải chú ý tới họ, nổi loạn để chống lại bất công, tiêu diệt cái ác, cho dù là đơn độc. Những con người này thường sống ngoài rìa pháp luật, sống ngoài xã hội, vì vậy đã buồn họ lại càng buồn hơn.

3. Mối quan hệ giữa tính cách và hoàn cảnh

Nếu như các nhà văn hiện thực phê phán phản ánh chân thực đời sống thông qua những nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, thì các cây bút lãng mạn gửi gắm triết lý nhân sinh của mình qua những tính cách phi thường trong những hoàn cảnh phi thường. V.Huygô – chủ soái của chủ nghĩa lãng mạn Pháp cho rằng: “Cái tầm thường là cái chết của nghệ thuật”. Và đây cũng là nguyên tắc chung của các nhà văn lãng mạn, luôn ưa thích cái vĩ đại, cái phi thường, cái “quá khổ”. Dưới ngòi bút của họ, nhân vật trung tâm đều trở nên phi thường, kì vĩ, gắn liền với hoàn cảnh phi thường

4. Nghệ thuật tương phản

Theo nhận xét của các nhà phê bình, thì nghệ thuật lãng mạn có khả năng dung nạp rộng rãi các thủ pháp nghệ thuật đặc thù như tương phản, cường điệu, trữ tình ngoại đề, sự đối lập giữa cái trác việt (sublime) và cái thô kệch (grotesque)… Trong đó, một trong những thủ pháp đem lại hiệu quả nghệ thuật cao nhất cho những tác phẩm văn học lãng mạn chính là nghệ thuật tương phản với những cấp độ đa dạng. “Tinh thần lãng mạn chính là sự nối kết liên tục các yếu tố đối kháng nhau: Tự nhiên và nghệ thuât, thơ ca và văn xuôi, sự nghiêm túc và thú vui, kỷ niệm và dự cảm, tư tưởng trừu tượng và những cảm giác sống động, sự sống và cái chết… hòa lẫn với nhau một cách mật thiết trong thể loại lãng mạn” (A.W Sleigel).

4.1. Tương phản trong xây dựng hình tượng nhân vật

4.1.1. Tương phản trong một nhân vật

Dưới ngòi bút của các tác giả lãng mạn, nhân vật nhiều khi là sự thống nhất hài hòa của nhiều mặt đối lập: giữa ngoại hình và phẩm chất, giữa quá khứ và hiện tại,… Chúng ta không thể không kể đến nhân vật Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân, đó là sự kết hợp giữa một nghệ sĩ tài hoa và một anh hùng “bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Hay Ka-di-mô-đô trong “Nhà thờ đức bà Pari” có vẻ bề ngoài vô cùng xấu xí, nhưng tâm hồn lại cao đẹp, thánh thiện…

Trong tiểu thuyết “Những người khốn khổ”, V.Huy-gô đã triệt để khai thác vẻ đẹp của nghệ thuật tương phản. Với bút pháp này, nhà văn đã tạo ra kiểu nhân vật đặc trưng – nhân vật kép, nhân vật phức hợp. Giăng-Văn-Giăng vừa là một người tù khổ sai, vừa là một vị thánh, điều này đã biến “Những người khốn khổ”trở thành bản anh hùng ca của lương tâm con người. Bởi tác phẩm đã bộc lộ quá trình con người đi từ bóng tối ra ánh sáng, đấu tranh với chính mình để vươn tới sự hoàn thiện. Qua đó, V. Huy-gô đã nhắn gửi tới người đọc triết lý nhân sinh sâu sắc: muốn cứu đời, cứu người trước hết phải vượt qua được cái ác trong chính bản thân mình.

4.1.2. Tương phản giữa hai nhân vật

Trong nhiều tác phẩm lãng mạn, luôn có sự song hành của hai nhân vật đối lập nhau, qua đó tư tưởng của tác giả được bộc lộ sắc nét. Chắc hẳn chúng ta không thể quên cặp nhân vật xung đột nhau gay gắt là Giăng-Văn-Giăng và Gia-ve trong “Những người khốn khổ”, một người tiêu biểu cho những con người khốn cùng, còn người kia đại diện cho quyền lực của xã hội tư bản. Một người là thánh nhân luôn tìm cách bênh vực bao kiếp đời bé nhỏ, còn kẻ kia là tên mật thám chó săn luôn rình rập để bắt bớ, hành hạ những mảnh đời yếu đuối…

4.1.3. Tương phản giữa nhân vật và hoàn cảnh

Trong các tác phẩm văn học, con người không chỉ là “tổng hòa các mối quan hệ xã hội”, mà chân dung nhân vật còn hiện lên sinh động trong mối quan hệ với môi trường xung quanh. Đến với văn xuôi lãng mạn, hẳn chúng ta đều đặc biệt ấn tượng với sự thù địch giữa nhân vật và hoàn cảnh.

4.2. Tương phản trong nghệ thuật dựng cảnh

Trong tác phẩm, hình tượng con người luôn hiện lên sinh động trên một nền cảnh nào đó. Vì vậy, việc xây dựng bối cảnh cho sự xuất hiện của nhân vật đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn và thành công cho tác phẩm. Các nhà văn lãng mạn đã phát huy được tối đa hiệu quả của nghệ thuật tương phản trong việc tạo dựng khung cảnh.

4.3. Tương phản giữa các chi tiết

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, chi tiết nghệ thuật là: “Các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng”. Cũng theo nhóm tác giả này thì: “Tuỳ theo sự thể hiện cụ thể, chi tiết nghệ thuật có khả năng thể hiện, giải thích, làm minh xác cấu tứ nghệ thuật của nhà văn, trở thành tiêu điểm, điểm hội tụ của tư tưởng tác giả trong tác phẩm. Chi tiết nghệ thuật gắn với quan niệm nghệ thuật về thế giới con người, với truyền thống văn hoá nghệ thuật nhất định.” (2) Như vậy, chi tiết nghệ thuật gắn với quan niệm nghệ thuật và quan niệm nhân sinh của nhà văn. Đối với người đọc khi nhận biết được các chi tiết đắt giá trong tác phẩm, chúng ta có thể làm sáng tỏ được ý nghĩa của hình tượng nghệ thuật, tư tưởng chủ đề của tác phẩm và hiểu rõ ý đồ sáng tạo của nhà văn.

Nếu như chủ nghĩa hiện thực đề cao tính chân thực của các chi tiết, thì trong những tác phẩm lãng mạn, nhà văn cũng dồn nén tư tưởng trong những chi tiết đặc sắc được kiến tạo bởi bút pháp tương phản. Không chỉ trong tiểu thuyết, mà với truyện ngắn lãng mạn, các nhà văn luôn rất dụng công khi xây dựng những chi tiết “cô đúc”, “mang nhiều ẩn ý

4.4. Tương phản giữa những tư tưởng

Trong những tác phẩm lãng mạn, đôi khi nhà văn đã sử dụng nghệ thuật tương phản để tạo ra một cuộc tranh luận ngầm, từ đó khẳng định tư tưởng, quan điểm của mình.

Khái quát lại chúng ta thấy, với chủ nghĩa lãng mạn, văn học nhân loại đã tiến một bước rất dài với những thành tựu rực rỡ trên tất cả các thể loại. Chủ nghĩa lãng mạn đã tạo ra một thời kỳ thơ Mới, phá vỡ tất cả các khuôn khổ của thơ cũ, với hình thức thơ tự do, có khả năng lớn trong việc biểu đạt tình cảm của con người, tư duy của thời đại. học lãng mạn  dâng hiến cho đời những kiệt tác bất hủ.

Chương 3: Đặc trưng chủ nghĩa lãng mạn qua hai tác phẩm “ chữ người tử tù” Nguyễn Tuân và “ Hai đứa trẻ ” Thạch Lam.

 

I. Tác phẩm: “ Chữ người tử tù” Nguyễn Tuân

1. Xây dựng hình tượng nhân vật

1.1 Nhân vật trung tâm

Huấn Cao là nhân vật được nhà văn khắc họa mang ba vẻ đẹp tài năng, khí phách, thiên lương

1.1.1 Kiểu nhân vật tướng cướp – nhân vật nổi loạn

       Soi vào văn học lãng mạn Việt Nam chúng ta thấy, Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân cũng mang dáng dấp của nhân vật nổi loạn. Huấn Cao thuộc loại nhân vật chân dung – tư tưởng. Đây là một chân dung sắc sảo được xây dựng theo lối lý tưởng hóa của một ngòi bút lãng mạn. Vì vậy, Huấn Cao nổi lên với vẻ đẹp phi thường, khác lạ. Cả tài hoa, thiên lương, lẫn khí phách của ông đều rất phi thường. Huấn Cao là một hào kiệt kiên cường, bất khuất, dám đứng lên chống lại triều đình phong kiến. Việc lớn không thành, ông bị bắt và sắp bị hành hình. Nhưng ông vẫn ung dung, bình thản, thể hiện khí phách hiên ngang, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình, Huấn Cao đã không hề run sợ, mà dồn hết tài hoa, thiên lương để cảm hóa, đưa quản ngục trở về với cuộc sống lương thiện. Qua hình tượng này, Nguyễn Tuân muốn gửi gắm tới người đọc một thông điệp: trên đời này không chỉ có quyền lực của nhà tù, mà còn có quyền uy của cái đẹp, đó chính là cái đẹp “nổi loạn”. Huấn Cao có nguyên mẫu từ Cao Bá Quát, một danh sĩ ở thế kỉ XIX, nổi tiếng hay chữ và viết chữ đẹp. Ông được tôn là “thánh Quát”, và là niềm tự hào của thời đại trong vế đối: “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán”. Cao Bá Quát cũng là người nổi tiếng phóng túng, ngông ngạo, khao khát đổi thay xã hội trong hoàn cảnh triều đình nhà Nguyễn bảo thủ, trì trệ. Cuối cùng ông đã đi làm quân sư cho cuộc khởi nghĩa Mĩ Lương chống lại triều đình. Đó là một con người tài hoa, khí phách ngang tàng và nhân cách cao đẹp. Nguyễn Tuân đã thể hiện khuynh hướng của trào lưu lãng mạn, phủ định thực tại xã hội đương thời bằng cách quay về ngợi ca vẻ đẹp của một thời đã qua nay chỉ còn vang bóng. Đồng thời, tác giả cũng bộc lộ lòng yêu nước thầm kín khi ca ngợi lãnh tụ khởi nghĩa Huấn Cao, gửi gắm sự ngưỡng mộ của mình với những anh hùng, hào kiệt dám đứng lên chống Pháp bằng gươm súng.

2. Nghệ thuật tương phản trong xây dựng hình tượng nhân vật

2.1. Tương phản trong một nhân vật

Chúng ta không thể không kể đến nhân vật Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân, đó là sự kết hợp giữa một nghệ sĩ tài hoa và một anh hùng “bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất. Nhân vật Viên Quản Ngục làm nghề và môi trường sống với những cái tàn bạo và xấu xa nhưng ông lại là người” biết biệt nhỡn liên tài” có sở thích thanh tao.

2.2. Tương phản giữa hai nhân vật

         Trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân, bút pháp tương phản đã góp phần tạo nên tình huống truyện độc đáo, đầy oái oăm và bi kịch: cuộc kì ngộ của hai nhân vật Huấn Cao và quản ngục. Trên bình diện chính trị xã hội, họ là những kẻ đối địch, có địa vị hoàn toàn đối lập với nhau. Một người là tên “đại nghịch”, cầm đầu cuộc nổi loạn chống lại triều đình, nay bị bắt giam, đang chờ ngày ra pháp truờng để chịu tội. Còn người kia lại đại diện cho bộ máy cai trị trong xã hội đương thời, có nhiệm vụ quản thúc, hành hạ tử tù của triều đình. Nhưng ở bình diện nghệ thuật, cả hai nhân vật này đều là những con người có tâm hồn nghệ sĩ, họ là tri âm, tri kỉ với nhau. Một người có tài viết chữ đẹp – một nhà thư pháp nổi tiếng, người kia suốt đời ngưỡng mộ cái tài ấy, bất chấp cả sự an nguy về tính mạng của mình và gia đình mình, miễn là có chữ của Huấn Cao để thỏa lòng mong ước. Ở một khía cạnh khác, tình huống này còn là sự đối mặt giữa hai kiểu nhà tù, hai kiểu tù nhân. Huấn Cao – một người hoàn toàn tự do về nhân cách nhưng đã mất mọi quyền, kể cả quyền sống. Quản ngục hoàn toàn tự do về thân thể, nhưng lại bị cầm tù về nhân cách. Hoàn toàn có thể coi đây là cuộc gặp gỡ giữa một tử tù Huấn Cao và người bị cầm tù chung thân ngay trong môi trường sống của mình. Chọn tình huống này, nhà văn đã đặt quản ngục vào một sự lựa chọn có tính xung đột: hoặc làm tròn bổn phận của một ông quan thì phải chà đạp lên tấc lòng tri kỉ, hoặc muốn trọn đạo tri kỉ thì phải phản lại bổn phận của một viên quan, bất chấp phép tắc nhà tù, và những quy định của luật pháp triều đình. Quản ngục hành động theo hướng nào, tư tưởng của truyện sẽ nghiêng theo hướng ấy. Theo cách thứ nhất, chiến thắng sẽ thuộc về sự tầm thường, đê tiện, độc ác. Theo cách hai, thì cái đẹp sẽ chiến thắng. Liệu quản ngục có dám thủy chung với tấc lòng tri kỉ, có dám coi thường bổng lộc và sự an toàn tính mạng của cá nhân và gia đình mình hay không? Quản ngục có thể thoát khỏi cái nhà tù vô hình vẫn cầm tù nhân cách của mình hay không? Có dám sống đúng là mình hay không? Tình huống truyện có sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc tiếp tục theo dõi câu chuyện.

Như vậy, nghệ thuật tương phản có vai trò quan trọng trong việc tạo tình huống và khắc họa chân dung nhân vật.

2.3. Tương phản giữa nhân vật và hoàn cảnh

            Đọc “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân, đôi khi chúng ta chỉ chú ý tới nhân vật trung tâm – Huấn Cao mà lãng quên nhân vật quản ngục. Bởi vậy, nhiều người đã không nhận ra rằng quản ngục cũng là hình tượng mà nhà văn đã dồn rất nhiều tâm huyết để khắc họa. Quản ngục là nhân vật nghiêng về chân dung và được xây dựng bằng bút pháp lãng mạn. Ở nhân vật này, có sự tương phản giữa cái tâm trong sáng với môi trường sống bẩn thỉu, và cái nghề thất đức. Quản ngục phải sống trong một môi trường đầy oái oăm, trớ trêu – nơi mà “người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc”. Nguyễn Tuân đã nhận xét: “Ông trời nhiều khi chơi ác, đem đày ải những cái thuần khiết vào giữa một đống cặn bã. Và những người có tâm điển tốt và thẳng thắn, lại phải ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt”. Tuy nhiên, vượt lên trên hoàn cảnh, quản ngục vẫn là một người có tâm điển tốt, tiềm ẩn những phẩm chất đáng quý, “là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ”. Ông đã dám sống đẹp, dám làm chính mình và luôn hiện lên là một người tri kỉ với Huấn Cao. Là một người có sở thích cao quý. Mong mỏi suốt đời của quản ngục là “một ngày kia được treo ở nhà riêng của mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết”. Vẻ đẹp của quản ngục hiện lên ở thái độ sùng kính Huấn Cao, qua hành vi chắp tay vái người tù một cái, nghẹn ngào nói trong nước mắt: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh“. Có cái cúi đầu làm cho con người ta trở nên hèn hạ, có những cái vái lạy làm cho con người trở nên đê tiện. Nhưng cũng có cái cúi đầu làm cho con người ta trở nên cao cả hơn, sang trọng hơn. Đó là cái cúi đầu trước cái tài, cái đẹp, cái thiên lương. Viên quản ngục vái lạy Huấn Cao gợi chúng ta liên tưởng tới cái cúi đầu của Cao Bá Quát trước hoa mai: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa“.

Như vậy, những dẫn chứng sinh động đã phân tích ở trên cho chúng ta thấy, nghệ thuật tương phản có ý nghĩa to lớn trong việc khắc họa sinh động hình tượng nhân vật của các nhà văn lãng mạn.

3. Tương phản trong nghệ thuật dựng cảnh

Nguyễn Tuân không chỉ nổi tiếng với sự tài hoa trong việc dựng chân dung, mà ông còn có biệt tài dựng cảnh. Cảnh cho chữ (trong “Chữ người tử tù”) được xây dựng bằng bút pháp lãng mạn. Ở đó nghệ thuật tương phản được phát huy tận độ: sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng: giữa bóng đêm ken kịt, dày đặc của trại giam tỉnh Sơn với ánh sáng rừng rực của bó đuốc tẩm dầu, ánh sáng lấp lánh của tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ, và ánh sáng trắng tinh khiết của tâm hồn con người. Đó còn là sự tương phản giữa cái thiện, cái cao cả và cái thấp hèn; giữa cái đẹp và cái xấu xa, tầm thường. “Đây là cảnh tượng xưa nay chưa từng có“. Cho chữ thường diễn ra ở nơi thư phòng, thư sảnh sạch sẽ, trang nghiêm, trong hương trầm nghi ngút và giữa những tao nhân mặc khách. Nhưng ở đây, cảnh cho chữ lại diễn ra trong lao tù ẩm ướt, chật hẹp, bẩn thỉu. Nơi bóng tối, cái xấu và cái ác ngự trị – những thứ thù địch với cái đẹp, lại trở thành nơi cái đẹp sinh thành và tỏa sáng. Trong cảnh tượng này đã diễn ra một sự đảo lộn tư thế của các nhân vật: Người nghệ sĩ tài hoa, say mê tô từng nét chữ không phải là người được tự do, mà là một kẻ tử tù đang trong cảnh cổ đeo gông, chân vướng xiềng, và chỉ sớm tinh mơ ngày mai đã bị giải vào trong kinh chịu án tử hình. Huấn Cao hiện lên như một nghệ sĩ đang say mê sáng tạo nghệ thuật, sáng tạo những con chữ nói lên hoài bão tung hoành của cả một đời người. Giây phút cuối cùng của cuộc đời tử tù không than thân trách phận. Trong khoảnh khắc thiêng liêng nhất, Huấn Cao vẫn dành trọn cho cái đẹp. Hình ảnh uy nghi của Huấn Cao đối lập với hình ảnh thầy thơ lại so ro, “run run bưng chậu mực“, và viên quản  ngục “khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ”. Thái độ “khúm núm” không phải là sự run sợ, mà là sự cẩn trọng đến mức tôn kính trước cái đẹp phi phàm giữa chốn ngục tù bẩn thỉu. Trật tự, kỉ cương trong nhà tù bị đảo ngược hoàn toàn: Quản ngục, kẻ có quyền hành thì không có quyền uy. Uy quyền đã thuộc về người tù – kẻ đã bị tước đoạt hết mọi quyền hành, kể cả quyền sống. Kẻ đại diện cho chính quyền thì “khúm núm”, sợ sệt, vái lạy tù nhân; tù nhân thì ung dung, đường bệ. Kẻ có nhiệm vụ cảm hóa, giáo dục tội phạm, giờ đây lại đang được chính tội phạm răn dạy, cảm hóa. Ngục quan cung kính, lĩnh nhận từng lời của tử tù như những lời di huấn thiêng liêng về nhân cách. Người được an ủi, động viên ở đây không phải là người sắp bị chết chém, mà là người đại diện cho quyền lực tự do. Giữa chốn ngục tù tàn bạo, không phải những kẻ đại diện cho quyền lực thống trị làm chủ, mà là người tù làm chủ. Như vậy nghệ thuật tương phản đã có ý nghĩa to lớn, thể hiện được tư tưởng, chủ đề của của tác phẩm: Đó là sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối, của cái đẹp đối với cái xấu xa, nhơ bẩn, của cái thiện đối với cái ác. Đó là cái đẹp của nhân cách, của tài hoa, của khí phách và thiên lương con người.

4. Tương phản giữa các chi tiết

Nếu như chủ nghĩa hiện thực đề cao tính chân thực của các chi tiết, thì trong những tác phẩm lãng mạn, nhà văn cũng dồn nén tư tưởng trong những chi tiết đặc sắc được kiến tạo bởi bút pháp tương phản. Không chỉ trong tiểu thuyết, mà với truyện ngắn lãng mạn, các nhà văn luôn rất dụng công khi xây dựng những chi tiết “cô đúc”, “mang nhiều ẩn ý”.

 

II. Tác phẩm “ Hai đứa trẻ ” Thạch Lam

1. Nhân vật Liên

Nhân vật Liên được tác gả đặt ở vị trí trung tâm của truyện. Tính cách tâm hồn cô bé được tái hiện qua ánh mắt quan sát và những suy nghĩ cảm xúc khi đối diện với cuộc sống nơi phố huyện nghèo. Bằng tài nghệ khám phá thế giới nội tâm phong phú tinh tế, Thạch Lam đã tái hiện một cách chân thực sống động những vẻ đẹp tiềm ẩn trong nhân vật Liên...

1.1. Liên có tâm hồn nhạy cảm tinh tế nhân hậu của một đứa trẻ biết yêu thương.

1.1.1. Yêu thiên nhiên: Trái tim cô bé nhạy cảm tinh tế trước cái đẹp của thiên nhiên

- Tâm hồn trẻ thơ trong sáng ấy đã rộng mở để đón nhận những biến động tinh tế mơ hồ của cảnh vật. Liên càng biết được sự đổi thay của đất trời lúc ngày tàn:

+ Em lắng nghe từng tiếng động, báo hiệu một ngày sắp hết: từ tiếng trống thu không; tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng; đến cả tiếng muỗi vo ve. Như thể em đang đón nhận cả cái không khí im vắng tĩnh lặng của buổi chiều quê.

+ Cái nhìn của Liên bao quát cả khung trời phía tây đang rực rỡ trong ánh hoàng hôn. Bầu trời hồng rực rỡ như lửa cháy với những đám mây "ánh lên như hòn than sắp tàn". Trên nền trời nổi bật đường viền sẫm màu của những rặng tre... Khoảnh khắc ngày tàn khơi lên trong cô bé một nỗi buồn man mác mơ hồ.

Không chỉ yêu cảnh vật, Liên còn rất gắn bó với miền đất này. Khi quan sát cảnh phiên chợ đã tàn em cảm nhận được cái tiêu điều của vùng đất nghèo khó qua những thứ rác rưởi bot lại trên nền chợ " vỏ bưởi vỏ thị, lá nhãn, lá mía". Liên yêu mảnh đất này đến mức thuộc lấy cả mùi cát bụi " một mùi âm ẩm của cát bụi bốc lên khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của vùng đất này".

- Đặc biệt Liên tìm thấy ở đây những vẻ đẹp bình dị mà giàu chất thơ. Qua cách cảm nhận của em một đêm mùa hạ bỗng trở nên trong trẻo êm ả lạ thường "trời bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát". Có cả vẻ đẹp của bầu trời đêm thăm thẳm với hàng ngàn ngôi sao đang ganh nhau lóe sáng...

=> Cách cảm nhận về thiên nhiên chứng tỏ tâm hồn cô bé Liên luôn rộng mở gắn bó và yêu thương với thế giới xung quanh.

1.1.2. Không chỉ yêu thiên nhiên trái tim cô bé còn biết yêu thương, cảm thông xót xa cho những nỗi khổ của con người.

- Liên thương trong cuộc sông nghèo khổ cơ cực của những người dân nghèo.

+ Em xót xa khi thấy những đứa trẻ nhà nghèo phải tìm bới nhặt nhạnh trong đống rác mặc dù biết mình không có tiền cho chúng.

+ Liên dành cho cụ Thi điên chút lòng qua cút rượu rót đầy.

+ Cô bé thương mẹ con chị Tí "ngày mò cua bắt tép tối lại dọn hàng tới tận khuya mà cũng chẳng ăn thua"

+ Ánh mắt cô bế siết bao ái ngại khi quan sát cảnh khốn cùng của gia đình bác sẩm "cả nhà ngủ gục trên manh chiếu rách; chiếc thau sắt trống không..." Dường như em mường tượng được nỗi đói rét cùng cực đang chờ đợi họ.

- Cùng với nỗi xót xa trong cuộc sống vất vả nghèo khó cơ cực của những người dân phố huyện, cô bé Liên còn cảm nhận cả sự bế tắc tù đọng trong kiếp sống của họ. Họ bị giam cầm trong giữa cái ao đời quẩn quanh tăm tối không ánh sáng không tương lai. Cái nhìn của em thấm đượm niềm thương cảm sâu xa. "Chừng ấy người ngồi lặng trong bóng tối như đang mong đợi một cái gì tươi sáng hơn cho."

=> Miêu tả những cảm xúc tinh tế sâu sắc khi đối diên với thiên nhiên con người cuộc sống. Thạch Lam đã làm hiện lên một thế giới tâm hồn trẻ thơ trong sáng giàu tinh yêu thương.

1.1.3. Không chỉ biết yêu thương cô bé Liên còn biết ước mơ, biết hướng tới tương lai.

1.1.3.1. Tâm hồn ấy luôn thiết tha hướng về ánh sáng

- Bản thân cô bé phải sống trong không gian tiêu điều tăm tối của phố huyên nghèo, đặc biệt bóng tối như trùm lấp cả đất trời chiếm lĩnh mọi khoảng thời gian không gian. Không phải ngẫu nhiên Thạch Lam tô đậm đêm tối "đường phố và các ngõ con dần chứa đầy bóng tối... tối hết cả con đường thăm thẳm qua sông, con đường qua chợ, những ngõ con vào làng càng...". Trên nền trời cuộc sống tăm tối ấy nổi bật hình ảnh hai đứa trẻ nhỏ nhoi đáng thương như bị giam cầm trong bóng tối "Từ khi nhà Liên dọn ở Hà Nội về đây, từ khi có cái cửa hàng này, đêm nào Liên và An cũng phải ngồi với cái tối của quang cảnh phố chung quanh".

- Nhưng bằng tất cả sức sống của một tâm hồn trẻ thơ tươi sáng, Liên đã không chịu "khuất phục" cái bóng tôi dày đặc kia. Ánh mắt em luôn thiết tha kiếm tìm những nguồn sáng. Có lúc cô bé ngước lên bầu trời đêm thăm thẳm để chiêm ngưỡng "hàng ngàn ngôi sao đang ganh nhau lấp lánh", có lúc Liên tìm về những với những ngọn đèn gần gũi ấm áp xung quanh: đèn dây sáng trong hiệu khách; vầng sáng nhỏ tên chõng hành chị Tí;... thậm chí Liên nâng niu đến cả từng hột sáng lọt qua khe liếc. Tâm hồn em như một mầm cây khỏe khoắn luôn hướng về nơi có ánh sáng.

1.1.3.2. Cô bé còn biết kiếm tìm những niềm vui, biết hướng tới tương lai. Vẻ đẹp này được thể hiện qua niềm mong đợi chuyến tàu đêm qua phố huyện.

- Liên cố thức đợi chuyến tàu không phải để bán thêm vài món hàng mà em đợi tàu để được nhìn thấy một cộc sông náo động, một nguồn sáng rực rỡ. Bởi vì con tàu ấy là niềm vui duy nhất sau mỗi ngày dài đằng đẵng buồn tẻ và tăm tối của cuộc sống nơi đây... Cho nên Liên đợi nó như người ta mong một điều gì đó lớn lao kì diệu.

- Liên đánh thức em dậy từ lúc tàu chưa đến cô bé đón với tất cả niềm hân hoan vui sướng

+ Qua cái nhìn của e con tàu bỗng trở nên lộng lẫy lạ thường "đoàn tàu rầm rộ đi tới..." Con tàu như đến một thế giới của thần thoại. Nó khơi lên trong Liên biết bao nhiêu cảm xúc hồi tưởng về một quá khứ hạnh phúc và mơ tưởng về một thế giới khác

+ Lúc con tàu đi qua Liên vẫn còn bâng khuâng dõi theo. Nó đánh thứ trong Liên những ý nghĩ mơ hồ mà em không lí giải được. Em chìm vào giấc ngủ với ý nghĩ "Minh sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết như... một vùng nhỏ" Suy nghĩ ấy chứng tỏ Liên đã sớm có ý thức về bản thân mình , sự thức tình cái tôi cá nhân ấy đã gieo vào lòng người đọc niềm hi vọng rằng cô bé có tâm hồn tươi sáng kia sẽ không bị giam cầm trong kiếp sống tù đọng tăm tối này mãi mãi.

2. Nghệ thuật tương phản

Đến với “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, người đọc đặc biệt ấn tượng với hai chi tiết tương phản là bóng tối và ánh sáng. Bóng tối là chi tiết nghệ thuật đầy ám ảnh đè nặng lên cảnh vật và con người. Bóng tối đến với tiếng trống thu không, với những đám mây hồng như hòn than sắp tàn, với dãy tre làng trước mặt đen lại. Ánh sáng của ban ngày vẫn còn nhưng yếu thế. Bóng tối mới xuất hiện nhưng bắt đầu lấn át ánh sáng. Rồi từng bước từng bước bóng tối đậm dần, ngập dần, lan tràn và ngự trị cả phố huyện: Các đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối… Tối hết cả con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa”. Bóng tối ngập tràn đôi mắt Liên, chị đã quen lắm với đêm tối. Mọi hoạt động của con nguời đều bắt đầu từ chiều tối tới tận đêm khuya. Không dưới 30 lần hình ảnh bóng tối xuất hiện, bóng tối như một cái gì hãi hùng đang xâm lấn, luồn lách vào mọi cảnh vật, bủa vây mọi con người. Nó tạo nên không gian đen đặc cho bức tranh phố huyện. Bóng tối trở thành nỗi ám ảnh về một cuộc sống tối tăm, bế tắc, ngao ngán. Đối lập với bóng tối tràn lan, đậm đặc là hình ảnh ánh sáng nhỏ nhoi, yếu ớt, được miêu tả rất khe khắt, hiếm hoi và đơn độc, chỉ là những khe sáng, hột sáng, quầng sáng, vệt sáng, chấm lửa,… không đủ để soi sáng không gian, mà còn tô đậm thêm bóng đêm đậm đặc, mênh mông của phố huyện. Nếu ánh sáng, âm thanh là biểu tượng của sự sống, thì bóng tối, sự tịch mịch là biểu tượng của hư vô, của cái chết. Cuộc sống hiện tại của chị em Liên là phố huyện ngập chìm trong đêm tối, nghĩa là sự sống đang hụt hơi, hấp hối như một miền đời quên lãng, một vùng đất chết, thiếu vắng sự sống. Như vậy, hai chi tiết đối lập này đã góp phần thể hiện được sâu sắc thông điệp của Thạch Lam: hãy đem đến cho con người một cuộc sống khác, hãy đem đến cho hai đứa trẻ một tương lai khác, hãy cứu lấy những đứa trẻ, cứu lấy mảnh đất phố huyện, cứu lấy sự sống trên thế giới này. Con người có thể vô danh nhưng không thể sống vô nghĩa.

Chương 4:  Hướng dẫn học sinh tìm hiểu để thấy sự khác nhau giữa  chủ nghĩa lãng mạn với CN hiện thực.

1. Một số điểm khác biệt trong phương thức phản ánh giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn.

1.1. Nguyên tắc phản ánh hiện thực

Chủ nghĩa hiện thực coi trọng nguyên tắc lịch sử cụ thể. chủ nghĩa hiện thực lại chú ý đến sự mô tả khách quan đời sống.

Chủ nghĩa lãng mạn coi trọng nguyên tắc biểu hiện. Văn học lãng mạn sáng tạo nhân vật, hình ảnh, tình huống nhằm thỏa mãn việc biểu hiện lý tưởng và tình cảm mãnh liệt của nhà văn. Nhân vật hành động theo ý muốn chủ quan của tác giả, thể hiện một cách trực tiếp tư tưởng của nhà văn.

1.2. Đề tài, cảm hứng, lý tưởng thẩm mỹ

            Chủ nghĩa hiện thực:

       Cảm hứng chủ đạo là phê phán, bóc trần, phê phán thực tại xã hội. Lý tưởng thẩm mĩ của chủ nghĩa hiện thực có tính nhân đạo. chủ nghĩa hiện thực hướng tới cái bình thường. Với các nhà văn hiện thực, cái đẹp gắn với cái thực.

         Chủ nghĩa lãng mạn:

Nhà văn lãng mạn thường hướng tới những cái phi thường có tính biệt lệ. Chẳng hạn, truyện ngắn Chữ người tử tù xây dựng một không khí thiêng liêng khác thường, con người cũng tài hoa, dũng liệt một cách rất đỗi nghệ sĩ như Huấn Cao. Văn học lãng mạn còn xây dựng những hình tượng con người vượt lên thực tại của đời sống của hoàn cảnh, hướng tới một cái gì tốt đẹp và thánh thiện hơn hiện thực. Có khi đó chỉ là những khát vọng dẫu mơ hồ nhưng cũng đủ để niềm tin của con người có điểm tựa.

Đề tài trong văn học hiện thực là những vấn đề nóng bỏng trong xã hội, những xung đột và mâu thuẫn giai cấp.

Đề tài trong văn học lãng mạn lại là tình yêu, thiên nhiên, quá khứ, văn hóa…,

Đề tài trong văn học hiện thực là những vấn đề nóng bỏng trong xã hội, những xung đột và mâu thuẫn giai cấp. Đề tài trong văn học lãng mạn lại là tình yêu, thiên nhiên, quá khứ, văn hóa…, những vấn đề có tính muôn thuở, vững bền.

1.3. Hệ thống hình tượng

1.3.1. Chủ nghĩa hiện thực miêu tả cuộc sống bằng hình tượng tương ứng với bản chất những hiện tượng của chính cuộc sống, Do vậy, chủ nghĩa hiện thực hay dùng nguyên mẫu, rất ghét hư cấu bịa đặt ngay cả trong việc lựa chọn một cái tên, cái tên đối với họ cũng rất gần gũi đối với đời sống. Văn học  hiện thực miêu tả các cá thể, các hiện tượng ngẫu nhiên có tính quy luật chứ không phải cái ngẫu nhiên biệt lệ; những hình tượng nhà văn mô tả phải nói lên được bản chất của đời sống. Văn học hiện thực thường khắc họa hình tượng thông qua thủ pháp nghệ thuật điển hình hóa. Điển hình hoá là biện pháp nghệ thuật nhằm làm cho hình tượng nghệ thuật trở thành điển hình là con  đường đưa sáng tạo nghệ thuật đạt đến chất lượng cao. Điển hình hoá là hình thức khái quát hoá – đặc trưng của phương pháp hiện thực hình thành trên cơ sở quan sát tình hình lặp đi lặp lại tương đối ổn định của các hiện tượng tính cách và quá trinh cuộc sống cùng loại trong thực tại. “Cần phải quan sát những người cùng lọai để sáng tác lên một điển hình nhất định” Leptônxtôi. Chính vì lẽ đó, chủ nghĩa hiện thực rất chú trọng mối quan hệ biện chứng giữa tính cách điển hình và hoàn cảnh điển hình.

Tính cách điển hình là sự kết hợp hài hoà giữa tính riêng sắc nét và tính chung có ý nghĩa khái quát cao. Nói một cách khác, nó vừa  mang nét tính cách riêng có của mình lại vừa mang đặc điểm của tầng lớp, giai cấp trong xã hội “Tính cách điển hình là con người này, lạ mà quen”

Hoàn cảnh điển hình là hoàn cảnh được tái hiện trong tác phẩm phản ánh được bản chất hoặc một vài nét bản chất trong cuộc sống  với những quan niệm giai cấp cụ thể. Tính cách điển hình là con đẻ của hoàn cảnh điển hình, chịu sự tác động của hoàn cảnh điển hình.

1.3.2. Chủ nghĩa lãng mạn xây dựng những tính cách phi thường trong những hoàn cảnh phi thường, tính cách không tồn tại trong những hoàn cảnh không tồn tại. Các nhà văn lãng mạn thường tìm kiếm những giá trị cao đẹp trong những cảnh đời tăm tối, tầm thường; khám phá cái cao cả trong những số phận bị ruồng bỏ, chà đạp. Trong Hai đứa trẻ, Thạch Lam xúc động, trân trọng cái khát vọng được đổi đời, được sống hạnh phúc hơn của những con người bé nhỏ bị lãng quên nơi phố huyện nghèo xưa. Nguyễn Tuân trong Chữ người tử tù tìm thấy sự tỏa sáng của nhân cách người tử tù nơi ngục thất tăm tối; sự vươn lên cái đẹp, cái thiên lương của một ngục quan, trong một nhà tù xã hội phong kiến xấu xa, suy tàn.

Nhân vật của văn xuôi lãng mạn hành động theo sự tưởng tượng chủ quan của nhà văn và trực tiếp thể hiện tư tưởng của tác giả. Liên và An tuy còn nhỏ nhưng phải thay mẹ trông coi một quán tạp hóa nhỏ để kiếm sống. Hàng đêm các em lại cố thức để đón chuyến tàu đêm đi qua phố huyện. Con tàu với những toa sang trọng, đèn sáng trưng chiếu sáng xuống mặt đường và tiếng còi rít lên rầm rộ như mang theo cả một thế giới khác đối lập với cái phố huyện tăm tối, tĩnh lặng. Nó như thắp lên trong tâm hồn của các em một niềm khát vọng dẫu mơ hồ nhưng thật xúc động, đáng trân trọng. Nhà văn muốn qua đó thể hiện khát vọng của những con người bé nhỏ bị lãng quên trong xã hội cũ…

Văn học lãng mạn là tự do biểu hiện tình cảm của cái tôi cá nhân, các nhà văn lãng mạn thường tuyệt đối hóa vai trò của cái tôi cá nhân, đặt chúng cao hơn thực tế khách đời sống để thể hiện tư tưởng của mình. Nhân vật trong Chữ người tử tù thể hiện quan điểm thẩm mĩ riêng của Nguyễn Tuân: Cái đẹp gắn với văn hóa dân tộc, gắn với cái thiện, có sức cảm hóa cái xấu, cái ác và cái đẹp luôn bất tử với đời.

1.4. Nghệ thuật biểu hiện

1.4.1.Văn học hiện thực coi trọng sự chân thực của các chi tiết.

Chi tiết là đơn vị nhỏ nhất của sáng tác, là chất liệu xây dựng lên hình tượng văn học. Chi tiết có thể là một lời nói, một nét tính cách ngoại hình, một khâu trong quan hệ…

Chi tiết chân thực là chi tiết có thật hoặc có thể có tính thống nhất với hiện thực cuộc sống.

Vai trò của các chi tiết chân thực: mọi chi tiết đều có ý độc lập góp phần đan dệt nên những hình tượng sinh động, những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình.

1.4.2. Văn học lãng mạn thường sử dụng thủ pháp tương phản, đối lập, thích khoa trương, phóng đại, sử dụng ngôn ngữ giàu sức biểu hiện cảm xúc.

            Cảnh tượng cho chữ trong Chữ người tử tù là một đoạn văn giầu kịch tính, sử dụng thành công nghệ thuật đối lập, tương phản. Trước hết đó là sự đối lập tương phản về cảnh. Chơi chữ là một thú chơi tao nhã thường được diễn ra ở các thư phòng, lại được diễn ra tại phòng giam “chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”. Về thời gian: Cảnh cho chữ không diễn ra lúc thanh thiên bạch nhật mà được diễn ra lúc nửa đêm khi lính canh đã ngủ, đêm cuối cùng của tử tù Huấn Cao. Cả không gian và thời gian đều tăm tối. Tương phản với cái tăm tối, bẩn thỉu ấy là ánh sáng: ánh sáng đỏ rực của bó đuốc tẩm dầu, là mầu trắng tinh của tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ, là mùi thơm của chậu mực bốc lên. Tuyệt vời hơn tương phản với cái tăm tối ấy của ngục thất là sự sáng tạo ra cái đẹp: cái đẹp của nghệ thuật, cái đẹp của tài năng, của dũng khí và nhân cách. Đó còn là sự tương phản về nhân vật: Vị thế và tư thế của các nhân vật trong cảnh cho chữ cũng có sự thay bậc, đổi ngôi. Huấn Cao là một người tù, “cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang đậm tô nét chữ trên tấm lụa bạch trắng tinh”nhưng phong thái ung dung, đĩnh đạc của một người tự do nhất, uy quyền nhất vì ông là người sáng tạo ra cái đẹp, tượng trưng cho cái đẹp và phẩm giá của con người. Huấn Cao  đang viết những con chữ cuối cùng cho đời nhưng không phải đi vào cõi chết mà đi vào cõi bất tử bởi cái tài, khí phách và nhân cách của ông đang được người tôn kính, giữ gìn bằng tất cả thiên lương. Trái lại, viên quản ngục là người có uy quyền nhất đang “khúm núm” nhặt những đồng tiền kẽm đánh dấu ô cho Huấn Cao viết chữ. Đây không phải là cử chỉ sợ sệt luồn cúi mà là sự ngưỡng mộ, trân trọng những dòng chữ cuối cùng của Huấn Cao. Nhưng nét chữ vuông, tươi tắn nó nói nên cái hoài bão tung hoành của một đời con người, những nét chữ đó kết tinh tài năng, tâm huyết, vẻ đẹp của một con người mà ông từng ngưỡng mộ. Người nghệ sĩ tài hoa có thể bị hãm hại nhưng cái đẹp phi thường thì bất tử khi ở đời vẫn có thiên lương. Ánh sáng bó đuốc phải chăng là ánh sáng thiên lương mà người tử tù đang chiếu lên để lay tỉnh ngục quan. Chi tiết ngục quan khúm núm và ngục quan vái tử tù trong nước mắt nghẹn ngào “kẻ mê muội này xin bái lĩnh”, đây là cái vái lạy trước một nhân cách hiếm có cùng với lời thề danh dự. Có thể khi Huấn Cao bị giải vào kinh chịu án chém cũng là lúc viên quản ngục trả áo mũ để về quê để giữ thiên lương cho lành vững bởi con người chỉ xứng đáng được thưởng thức cái đẹp khi giữ được thiên lương. Bên cạnh đó, những từ ngữ Hán-Việt cổ kính như thiên lương, bức châm, bái lĩnh được sử dụng nhuần nhuyễn vừa phù hợp với không khí, cảnh tượng vừa góp phần tạo nên sự thiêng hóa nhân vật theo bút pháp lãng mạn.

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 83
Hôm qua : 399
Tháng 04 : 7.796
Năm 2024 : 33.535