A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tính cách và nghề nghiệp phù hợp

1. Nghề nghiệp bạn chọn có tác động rất lớn đến tương lai của bạn. Nó có thể ảnh hưởng đến giá trị bản thân, sự thỏa mãn cá nhân, lối sống, thu nhập và thậm chí là cả gia đình của bạn. Do đó, trước khi quyết định theo đuổi nghề nghiệp nào, hãy cân nhắc cẩn thận các lựa chọn và tự mình trả lời các câu hỏi sau.

Tôi đang chọn nghề nghiệp này cho ai?

 
Trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp, bạn sẽ nhận được rất nhiều lời khuyên từ ba mẹ, thầy cô và cả bạn bè, người thân. Tuy nhiên, điều quan trọng bạn cần nhớ là phải biết chọn lọc thông tin phù hợp và bạn là người ra quyết định cuối cùng. Sự nghiệp là hành trình chỉ có bạn thực hiện, do đó bạn cần biết điều gì là tốt nhất cho mình và những gì bạn muốn làm thực sự bất kể người khác suy nghĩ ra sao.
 
Nghề nghiệp này phù hợp với sở thích của tôi?
 
Khi chọn nghề nghiệp, bạn nên tìm một nghề phù hợp với sở thích của bạn vì bạn nhất định sẽ đam mê nó hơn. Một trong những lý do khiến một số người thành công hơn những người khác là vì họ đam mê công việc của mình. Với một nghề nghiệp mà bạn yêu thích và đam mê, bạn sẽ tìm mọi cách theo đuổi nó và sẽ mạnh mẽ, kiên trì hơn trong những lúc khó khăn.
 
Tôi có thể thực hiện các nhiệm vụ trong nghề nghiệp này không?

Đam mê một nghề nào đó và thực sự có thể làm nó là hai điều khác nhau. Ví dụ, bạn có thể đam mê âm nhạc nhưng lại không có giọng hát tuyệt vời để thành công trong sự nghiệp nghệ thuật. Biết khả năng của bạn là điều quyết định liệu bạn có thực sự sẽ làm tốt các nhiệm vụ trong nghề nghiệp này hay không. Hãy chọn một nghề phù hợp với khả năng của bạn.
 
Liệu tính cách của tôi có phù hợp với nghề nghiệp này?
 
Một số nghề nghiệp phù hợp với người hướng nội trong khi những nghề khác có xu hướng phù hợp với người hướng ngoại. Tính cách của bạn là gì và tính cách đó có phù hợp với nghề nghiệp mà bạn đang nghĩ đến không?


Tính cách là điều rất quan trọng bởi nó sẽ xác định liệu bạn có thực hiện tốt công việc của mình hay không. Chẳng hạn, nếu bạn muốn theo đuổi ngành nghề Quan hệ khách hàng thì tính cách của bạn nên là người hướng ngoại. Nếu bạn là người hướng nội, rất có thể bạn sẽ không có kỹ năng ứng xử linh hoạt với khách hàng.
 
Để trả lời câu hỏi này, bạn có thể làm một bài kiểm tra về tính cách hoặc bài kiểm tra nghề nghiệp - những cách có thể giúp bạn tìm ra một số các lựa chọn nghề nghiệp phù hợp nhất với tính cách bản thân.
 
Có nhiều công việc trong lĩnh vực tôi muốn làm?
 
Biết được các công việc hiện có trong lĩnh vực nghề nghiệp bạn theo đuổi và sự cạnh tranh sẽ giúp bạn biết thêm về những gì bạn cần làm để tìm được việc cũng như để nổi trội hơn.
 
Chọn các lĩnh vực nghề nghiệp có nhiều cơ hội việc làm sẽ rất thuận lợi cho bạn vì bạn có nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, ngay cả khi có rất ít công việc trong lĩnh vực mà bạn theo đuổi, thì đừng từ bỏ nếu đó là điều bạn muốn. Hãy tìm cách để làm tốt hơn hoặc tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho những người khác.

 
Nghề nghiệp bạn chọn đang phát triển hoặc suy giảm?
 
Dù bạn chọn nghề nghiệp nào thì đó nên là một nghề sẽ tồn tại trong thời gian dài và không ngừng phát triển. Ngay cả khi nghề nghiệp đó có vẻ không sôi động vào lúc này nhưng có nhiều khả năng phát triển mạnh trong tương lai, thì vẫn tốt hơn nhiều so với nghề nghiệp đang dần bị thu hẹp và có thể bị thay thế.
 
Có các nghề nghiệp nào tương tự với con đường bạn chọn?

 
Nếu nghề nghiệp bạn đã chọn đi theo đột ngột bị “xóa sổ” hay bạn nhận ra mình đã chọn nhầm, thì lựa chọn tiếp theo của bạn là gì? Vậy nên, bạn luôn cần có kế hoạch B trong trường hợp xấu nhất xảy ra. Cách tốt nhất để làm điều này là chọn một nghề giúp bạn có được nhiều kỹ năng mềm - những điều có thể dễ dàng sử dụng ở các lĩnh vực khác. Điều này giúp bạn có nhiều hướng đi hơn nếu lựa chọn đầu tiên thất bại.

 

 

2. Bạn là người có khả năng suy nghĩ về bức tranh lớn (đưa ra ý tưởng, giải pháp và cơ hội), suy nghĩ logic và tự hỏi công việc nào phù hợp để phát huy cao nhất các kỹ năng này? Hoặc bạn là người sống nội tâm, thiên về cảm xúc và bạn muốn biết công việc nào sẽ giúp bản thân nổi trội?

Dưới đây là các loại tính cách khác nhau và các lựa chọn nghề nghiệp phù hợp nhất với từng loại, hãy cùng tham khảo nhé. 

 
Hướng ngoại + tập trung vào chi tiết + thiên về tình cảm + có óc phán đoán

Đây là kiểu tính cách chiếm một tỉ lệ tương đối lớn trong dân số thế giới. Họ rất chú ý đến nhu cầu của người khác, xem trọng truyền thống và lòng trung thành, thường có tâm lý gia đình là trên hết. Ở nơi làm việc, họ là những người có tinh thần đồng đội cao. Họ có xu hướng làm hài lòng người khác, muốn được hợp tác và tạo ra các mối quan hệ hai bên cùng có lợi.
Nghề nghiệp phù hợp: Giáo viên tiểu học, Chăm sóc khách hàng, Y tá, Chuyên gia dinh dưỡng, Quản lý nhân sự, Điều phối viên sự kiện, Lễ tân...
 
Hướng ngoại + có tầm nhìn xa + thiên về cảm xúc + có óc phán đoán
Người sở hữu tính cách này là những người chu đáo, nhiệt tình và có trách nhiệm. Họ cũng là người có kỹ năng giao tiếp tốt với mọi người ở nhiều cấp độ. Họ quan tâm, luôn tìm cách giúp đỡ mọi người xung quanh. Tại nơi làm việc, họ có xu hướng chịu trách nhiệm và có thể hiểu được chính xác tình huống gặp phải.

Nghề nghiệp phù hợp: Quản lý bán hàng, Quản lý Makerting, Trợ lý điều hành, Biên tập viên, Giáo viên, Dịch giả, Gây quỹ từ thiện...
 
Hướng ngoại + chú ý đến chi tiết + lý trí + suy nghĩ cẩn thận
Đây là những người chăm chỉ, yêu thích sự vui vẻ và dễ thích nghi, chỉ chiếm 4% dân số. Trong một môi trường làm việc tối ưu, họ có thể là người giải quyết vấn đề logic, đàm phán khéo léo và biết cách sử dụng các tài nguyên có sẵn. Họ phát triển mạnh trong môi trường làm việc linh hoạt, trong đó họ được trao quyền để lên ý tưởng và thực hiện như freelancer, doanh nhân hoặc khởi nghiệp.

Nghề nghiệp phù hợp: Diễn viên, Chuyên viên phát triển kinh doanh, Nhà báo, Chuyên viên cấp cứu y tế...
 
Hướng ngoại + có tầm nhìn xa + lý trí + có óc phán đoán
Người có kiểu tính cách này là những lãnh đạo bẩm sinh. Họ có động lực, sự tập trung và độc lập. Họ có thể thúc đẩy người khác đưa ra giải pháp hiệu quả và tự mình đưa ra các quyết định sáng suốt. Vì vậy, họ có nhiều khả năng thích hợp với các vị trí lãnh đạo hoặc giám sát.

Nghề nghiệp phù hợp: Quản lý dự án, Chuyên viên phân tích tài chính, Quản trị mạng, Quản lý xây dựng, Khảo sát...
 
Hướng ngoại  + có tầm nhìn xa + lý trí + suy nghĩ cẩn thận
Họ là những người luôn muốn mang lại sự thay đổi và tìm giải pháp cho những vấn đề khó khăn. Họ luôn tò mò và tìm kiếm những cách mới để học hỏi và phát triển bản thân. Họ cởi mở và có thể phân tích, nắm bắt được tâm lý và ảnh hưởng đến người khác.
Nghề nghiệp phù hợp: Doanh nhân, Quản lý nhân sự, Quản lý bán hàng, Quản lý Marketing, Giám đốc sáng tạo, Phóng viên, Chuyên viên nghiên cứu thị trường, Diễn viên, Nhà xã hội học...
 
Hướng ngoại + chú ý đến chi tiết + lý trí + có óc phán đoán
Với việc đề cao sự trung thực, minh bạch, đây thường là những người lãnh đạo trong doanh nghiệp hoặc đội nhóm của họ. Họ thích được kiểm soát và hoàn thành công việc một cách có trật tự. Họ luôn tận tâm hoàn thành công việc và họ hiểu rằng một người lãnh đạo tốt nhất luôn phải làm gương.

Nghề nghiệp phù hợp: Luật sư, Giám đốc bán hàng, Kế toán cao cấp, Giám đốc quan hệ công chúng...
 
Hướng ngoại + chú ý đến chi tiết + thiên về cảm xúc + suy nghĩ cẩn thận
Họ sở hữu tính cách vui tươi và nhiệt tình, thân thiện, khéo léo và linh hoạt. Họ có ý thức chung mạnh mẽ và thích giúp đỡ mọi người bằng hành động cụ thể. Ở nơi làm việc, họ luôn là trung tâm của sự chú ý. Họ nói nhiều và có thể điều chỉnh theo nhu cầu của từng người.
Nghề nghiệp phù hợp: Giáo viên, Y tá, Nhà thiết kế thời trang, Quản lý bán lẻ, Giám đốc PR, Nhạc sĩ...

Hướng ngoại + có tầm nhìn xa + cảm tính + suy nghĩ cẩn thận
Họ thích làm việc theo các dự án, thích nơi làm việc thoải mái hoặc không chính thống hơn là văn phòng công ty và “lão luyện” trong việc nhận thấy tiềm năng ở những người khác. Trong công việc, họ thể hiện sự sáng tạo và sẵn sàng giúp đỡ những người mà họ làm việc cùng.
Nghề nghiệp phù hợp: Diễn viên, Vũ công, Nhạc sĩ, Nhà thiết kế thời trang, Nhà văn, Nhà tâm lý học, Phóng viên, Phiên dịch viên.
Hướng nội + có tầm nhìn xa + thiên về cảm xúc + nhìn nhận vấn đề sâu sắc
 
Kiểu người này có thể tìm thấy cảm hứng ở bất cứ đâu. Nếu được khuyến khích và thúc đẩy đúng cách, họ có thể sử dụng khả năng tưởng tượng của mình để cải thiện cuộc sống cho bản thân và những người khác. Họ quan tâm nhiều hơn đến việc tìm một công việc phù hợp với các giá trị của họ hơn là một công việc mang lại cho họ mức lương hấp dẫn.
Nghề nghiệp phù hợp: Nhà văn, Chuyên viên Marketing, Giáo viên, Nhà tâm lý học hoặc Bác sĩ tâm thần
 
Hướng nội + có tầm nhìn xa + lý trí + nhìn nhận vấn đề sâu sắc

Kiểu tính cách này chỉ chiếm khoảng 2-5% dân số. Bề ngoài họ có vẻ lạnh lùng xa cách nhưng ẩn chứa trong đó là khả năng nhạy bén với sự đổi mới. Họ có tư duy phân tích khá mạnh, thích những ý tưởng, thách thức và cảm hứng mới. Họ rất hào hứng khi được giao nhiệm vụ phân tích hệ thống hoặc các ý tưởng bởi điều đó giúp họ có cái nhìn sâu rộng hơn về vấn đề.
Nghề nghiệp phù hợp: Lập trình viên máy tính, Quản trị viên cơ sở dữ liệu, Chuyên viên phát triển phần mềm, Kỹ sư hóa học, Nhà Kinh tế học...
 
Hướng nội + chú ý đến chi tiết + lý trí + nhìn nhận vấn đề sâu sắc
 
Kiểu tính cách này có xu hướng thiên về thực tế, có đầu óc chi tiết, không quan tâm đến các khái niệm giàu trí tưởng tượng hoặc không xác định và là người có khả năng giải quyết vấn đề.


Nghề nghiệp phù hợp: Kỹ sư phần cứng máy tính, Kỹ thuật viên điện tử, Kiến trúc sư cảnh quan, Kỹ sư xây dựng...
 
Hướng nội + chú ý đến chi tiết + lý trí + có óc phán đoán
 
Họ có trách nhiệm, chân thành, có khả năng phân tích, chăm chỉ, đáng tin cậy và có óc phán đoán thực tế. Mặc dù là người hướng nội, họ có thể làm việc tốt với người khác và họ cảm thấy thoải mái khi nhận nhiệm vụ hoặc trò chuyện với người lạ.
Nghề nghiệp phù hợp: Kiểm toán viên, Kế toán, Môi giới chứng khoán, Lập trình viên máy tính, Nha sĩ, Dược sĩ, Thẩm phán, Thủ thư..
 
Hướng nội + chú ý vào chi tiết + thiên về cảm xúc + nhìn nhận vấn đề cẩn trọng
 
Nhạy cảm, sáng tạo, trung thành và quan tâm đến người khác là điều có thể dễ dàng nhận thấy ở kiểu tính cách này. Họ thích thực hành hơn là lý thuyết và họ muốn làm việc trong môi trường yên tĩnh, có các thiết bị hoặc sự hỗ trợ mà họ cần và thiên về các ngành nghề cần khả năng thẩm mỹ cao.
Nghề nghiệp phù hợp: Nhà thiết kế thời trang, Thiết kế nội thất, Nghệ sĩ, Thợ kim hoàn, Nhà thiết kế đồ họa, Huấn luyện viên thể hình.
 
Hướng nội + tập trung vào chi tiết + thiên về cảm xúc + có óc phán đoán
 
Kiểu người này được xem là ấm áp, ân cần, nhẹ nhàng, có trách nhiệm, thực tế và kỹ lưỡng. Họ thích được giúp đỡ và quan tâm đến nhu cầu của người khác. Trong công việc, họ kiên định, đáng tin cậy và tận tụy với nhiệm vụ của mình.
Nghề nghiệp phù hợp: Nha sĩ, Bác sĩ, Y tá, Giáo viên mầm non, Nhà sinh vật học, Chuyên viên QA, QC thực phẩm
 
Hướng nội + có tầm nhìn xa + lý trí + có óc phán đoán
 
Đây là những người có suy nghĩ sáng tạo, tự tin, quyết đoán và lý trí trước các tin đồn. Chỉ có 2% dân số thế giới sở hữu nhóm tính cách này. Trong công việc, họ chủ yếu thích làm việc một mình hoặc trong các nhóm nhỏ và tìm cách giải quyết các vấn đề đầy thách thức nhưng thú vị.
Nghề nghiệp phù hợp: Kỹ sư xây dựng, Nhà văn, Nhân viên quản trị cơ sở dữ liệu, Trưởng phòng Logistics, Chuyên viên thống kê...
 
Hướng nội + có tầm nhìn xa + dựa vào cảm xúc + có óc phán đoán
 
Họ thường là những cá nhân dè dặt, nhạy cảm, đồng cảm và sáng tạo. Họ cũng là người duy tâm, có tổ chức, đáng tin cậy, thích sự hòa thuận và hợp tác. Họ có tài năng biến ý tưởng thành hiện thực và giúp đỡ những người cần điều này. Họ thích môi trường làm việc yên bình, nơi họ có thời gian và không gian để phát triển các ý tưởng và lên kế hoạch thực hiện.
Nghề nghiệp phù hợp: Tư vấn viên, Nhà tâm lý học, Nhà khoa học, Nhà thiết kế, Nhà văn, Chuyên viên nhân sự...
 

Bên cạnh đó, khảo sát từ tạp chí Forbes cũng đem đến những kết quả thú vị về tính cách và nghề nghiệp của con người. Trong đó chỉ ra con người có 6 mẫu tính cách tương ứng với các nghề nghiệp nhất định, chẳng hạn:

  • Người thích sáng tạo thì phù hợp với những công việc như: Nhà văn, Thiết kế đồ họa, Thiết kế sản phẩm truyền thông đa phương tiện, Viết ý tưởng/nội dung/thông điệp quảng cáo…
  • Người thích suy nghĩ thì nên lựa chọn các công việc như: Phát triển phần mềm, Phân tích thị trường, Kế toán – Kiểm toán, Phân tích hệ thống máy tính, Phân tích tài chính…
  • Người thích tổ chức sẽ chọn các hướng đi liên quan đến các nhóm ngành: Quản trị hệ thống máy tính, Quản lý thông tin, Quản lý tài chính hay Phân tích hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp…
  • Người thích hành động thì nên đi theo các lĩnh vực như: Phi công, Giám sát công trình, Thợ kỹ thuật, Kỹ sư xây dựng, Phát triển hệ thống website…
  • Người thích đàm phán phù hợp với các công việc như: Marketing, Truyền thông đối ngoại, Quan hệ công chúng, Kinh doanh, Tiếp thị…
  • Người thích giúp đỡ nên chọn đi theo các hướng ngành nghề như: Chuyên gia Tâm lý, Tư vấn pháp lý, Y tá, Trợ lý bác sĩ, Giám đốc Nhân sự…
  •  

(Sưu tầm) 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 124
Hôm qua : 93
Tháng 01 : 884
Năm 2025 : 884