NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC
Nghị định 04/2021/NĐ-CP gồm 4 Chương và 42 Điều, quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Đối tượng áp dụng của Nghị định này gồm: Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Hình thức xử phạt chính gồm cảnh cáo, phạt tiền. Bên cạnh đó có các biện pháp phạt bổ sung như: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; trục xuất; đình chỉ hoạt động có thời hạn; và buộc khắc phục hậu quả.
Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng.
Tại Chương II của Nghị định 04/2021/NĐ-CP đã quy định cụ thể từng hành vi vi phạm hành chính thuộc phạm vi điều chỉnh của văn bản này; mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đổi với từng hành vi (mức xử phạt áp dụng đối với tổ chức gấp đôi cá nhân), được chia làm tám nhóm hành vi với một số quy định mới nổi bật liên quan, cụ thể:
- Những hành vi vi phạm quy định về thành lập, cho phép thành lập; sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở giáo dục hoặc tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục; chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục (mục I của Chương II, gồm các điều từ Điều 5 đến Điều 7) với một số quy định nổi bật:
Bổ sung quy định về xử phạt hành vi không đảm bảo một trong các điều kiện cho phép hoạt động giáo dục, đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; đăng ký, cho phép hoạt động hoặc công nhận hoạt động tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục với mức tiền phạt tối đa lên đến 40 triệu đồng (Điều 06 Nghị định 04/2021/NĐ-CP); bổ sung quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về tổ chức quản lý cơ sở giáo dục với mức phạt tiền cao nhất lên đến 60 triệu đồng.
- Các hành vi vi phạm quy định về hoạt động tuyển sinh (mục 2, Chương II của Nghị định, từ Điều 8 đến Điều 10) được bổ sung một số quy định mới, đơn cử như:
+ Bổ sung quy định về việc xử phạt hành vi vi phạm quy định về tổ chức tuyển sinh với mức phạt tiền cao nhất lên đến 60 triệu đồng (Điều 8);
+ Nâng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về đối tượng tuyển sinh từ 60 triệu đồng lên đến 100 triệu đồng đồng thời bổ sung hình thức xử phạt: Đình chỉ hoạt động tuyển sinh từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi tuyển sai từ 30 người học trở lên đối với trình độ đại học và tuyển sai từ 10 người học trở lên đối với trình độ thạc sĩ, tiến sĩ (Điều 9).
- Các hành vi vi phạm quy định về nội dung, chương trình, đào tạo liên thông, liên kết (mục 3, Chương II của Nghị định, từ Điều 11 đến Điều 13) với một số quy định mới được bổ sung như sau:
Bổ sung quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về mở ngành, chuyên ngành đào tạo, theo đó, hành vi tự chủ mở ngành, chuyên ngành đào tạo không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật hiện hành sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng; Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Tự chủ mở ngành, chuyên ngành đào tạo khi chưa đủ một trong các điều kiện theo quy định đối với một ngành, chuyên ngành; Gian lận để được cho phép mở đối với một ngành, chuyên ngành đào tạo;… (Điều 12)
- Các hành vi vi phạm quy định về thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập (mục 4, Chương II của Nghị định, Điều 14 và Điều 15):
Nâng mức phạt cao nhất đối với hành vi gây rối hoặc đe dọa dùng vũ lực ngăn cản người dự thi và người tổ chức thi, thanh tra thi, coi thi, chấm thi, phục vụ thi từ 05 triệu đồng lên 08 triệu đồng; đối với hành vi thông tin sai sự thật về kỳ thi từ 06 triệu đồng lên đến 12 triệu đồng… đồng thời bổ sung Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính thông tin sai sự thật đối với hành vi thông tin sai sự thật về kỳ thi.
- Các hành vi vi phạm quy định về tư vấn du học; hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục (mục 5, Chương II của Nghị định, Điều 16 và Điều 20), đây là nội dung mới được bổ sung trong Nghị định 04/2021/NĐ-CP với một số nội dung nổi bật sau:
Quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định hoạt động tư vấn du học; vi phạm quy định về hoạt động của văn phòng đại diện tổ chức giáo dục nước ngoài tại Việt Nam; vi phạm quy định về tiếp nhận học sinh Việt Nam học chương trình giáo dục của nước ngoài tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài; vi phạm quy định về thực hiện liên kết giáo dục, liên kết đào tạo với nước ngoài; vi phạm quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài với mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng tùy vào hành vi và mức độ vi phạm.
- Các hành vi vi phạm quy định về quản lý, cấp và sử dụng văn bằng, chứng chỉ (mục 6, Chương II của Nghị định, Điều 21 và Điều 23) với một số nội dung mới:
Bổ sung quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về in phôi và quản lý phôi văn bằng, chứng chỉ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo với mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng và buộc hủy bỏ phôi văn bằng, chứng chỉ có nội dung không đúng quy định của pháp luật hiện hành đối với hành vi in phôi văn bằng, chứng chỉ có nội dung không đúng quy định của pháp luật hiện hành
- Các hành vi vi phạm quy định đối với nhà giáo và người học (mục 7, Chương II của Nghị định, Điều 24 và Điều 29):
Nâng mức phạt tiền cao nhất của một số hành vi vi phạm thuộc mục này như: vi phạm quy định về sử dụng nhà giáo từ 20 triệu đồng thành 50 triệu đồng, hành vi vi phạm quy định về bảo đảm tỷ lệ giáo viên, giảng viên cơ hữu trong các cơ sở giáo dục từ 20 triệu đồng thành 30 triệu đồng…
- Các hành vi vi phạm quy định về cơ sở vật chất, thiết bị, tài chính và các điều kiện đảm bảo chất lượng (mục 8, Chương II của Nghị định, Điều 30 và Điều 34) quy định một số nội dung mới nổi bật như:
Bổ sung hành vi vi phạm quy định về vận động tài trợ trong cơ sở giáo dục với mức phạt tiền từ 05 triệu đến 20 triệu đồng tùy từng hành vi đồng thời buộc trả lại các khoản chi không đúng quy định từ nguồn vận động tài trợ đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài trợ.
Nghị định cũng cụ thể các tổ chức là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này, bao gồm:
- Cơ sở giáo dục mầm non; cơ sở giáo dục phổ thông; cơ sở giáo dục thường xuyên; trường trung cấp và trường cao đẳng có đào tạo nhóm ngành giáo viên; cơ sở giáo dục đại học; viện hàn lâm và viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ được phép đào tạo trình độ tiến sĩ (sau đây viết tắt là viện hàn lâm, viện được phép đào tạo trình độ tiến sĩ);
- Trường chuyên biệt và cơ sở giáo dục khác; văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam; phân hiệu của cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam; cơ sở giáo dục thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và tổ chức là pháp nhân không phải cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng nhóm ngành giáo viên; đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học và tổ chức thực hiện dịch vụ gắn với hoạt động giáo dục thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi tắt là tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục);
- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện liên kết đào tạo trình độ đại học.
(Khoản 1 Điều 2 Nghị định 04/2021-NĐ-CP)
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/3/2021.
Vui lòng theo dõi chi tiết tại link: