A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư vấn hướng nghiệp - Xu hướng ngành (part 4)

12. Ngành du lịch và quản lí khách sạn

            Du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn ở Việt Nam. Đất nước Việt Nam có tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú. Thị trường du lịch khách sạn nhà hàng tại Việt Nam đang phát triển một cách mạnh mẽ và nóng hơn bao giờ hết. Ngành này đào tạo nguồn nhân lực làm việc trong một môi trường đẳng cấp chuyên nghiệp, không gian sang trọng, văn minh, giao tiếp rộng và mức thu nhập cao hơn rất nhiều so với mặt bằng việc làm chung của xã hội. Theo số liệu Tổng cục thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5/2016 ước đạt 757.244 lượt, giảm 4,1% so với tháng 4/2016 và tăng 30,2 % so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung 5 tháng năm 2016 ước đạt 4.005.878 lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2015. Những con số trên cho thấy ngành Du lịch ở Việt Nam ngày càng phát triển cùng với những địa điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng, trung tâm mua sắm để đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu nhân lực ngành này tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2021 đến năm 2025 với tỉ lệ ngành nghề so với tổng số việc làm là 8%; số chỗ làm việc là 21600 người/năm. Ngành du lịch, quản lý khách sạn sẽ giúp bạn có nhiều cơ hội cọ xát, gặp gỡ với nhiều người đến từ khắp nơi trên thế giới. Đây là một lực chọn thông minh cho những bạn trẻ năng động, thích học hỏi và khám phá.

13. Ngành điện – cơ khí

          Quá trình hội nhập quốc tế hiện nay đang đòi hỏi Việt Nam - một quốc gia thuần nông cũng như nhiều nước trong khu vực phải thúc đẩy phát triển công nghiệp, điện tử. Điện và cơ khí đang xuất hiện trong hầu hết các sản phẩm của đời sống xã hội và nó nhu cầu cần thiết không thể thiếu. Những sản phẩm về điện hay những sản phẩm cơ khí ngày càng nhiều. Nhiều công ty cơ khí đang thiếu nguồn nhân lực đặc biệt là yêu cầu về ngành này cũng không cao. Cụ thể tại TP.HCM hiện có khoảng1.500 doanh nghiệp hoạt động trong ngành cơ khí, với tổng số lao động đang làm việc khoảng 57.000 lao động. Dự báo nhu cầu việc làm bình quân hàng năm của ngành cơ khí đến năm 2021 là khoảng 8.100. Bên cạnh đó, người học có cơ hội được đi xuất khẩu lao động sang các nước phát triển. Ngay từ giảng đường đại học, các nhà tuyển dụng đã tạo dựng sợi dây liên kết giữa nhà trường và công ty, mỗi khóa tốt nghiệp đều có những chỉ tiêu kí kết hợp đồng lao động. Như vậy có thể thấy, cơ hội việc làm cũng như nguy cơ thất nghiệp thấp hơn nhiều so với những ngành nghề khác. Bạn cũng có thể học trung cấp hay cao đẳng nghề đào tạo ngắn hạn không nhất thiết phải đào tạo đại học.

14. Ngành tư vấn tâm lí xã hội

        Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, nghề tư vấn tâm lý đã và đang phát triển mạnh tại Việt Nam thu hút đông đảo bạn trẻ.Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động TPHCM, trong giai đoạn 2013 - 2015 đến 2021, nhu cầu nhân lực của ngành tâm lý học là rất lớn, riêng TPHCM cần đến hàng nghìn người mỗi năm. Hàng năm, nhu cầu tuyển dụng của ngành này là hơn 1.000 người. Cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực tâm lý rất đa dạng. Sinh viên tốt nghiệp ngành tâm lý học có thể đảm trách nhiều công việc khác nhau: giảng dạy và nghiên cứu tâm lý học tại các trường đại học, cao đẳng, trung tâm, viện nghiên cứu; chuyên viên tư vấn tâm lý tại các công ty, trường học, trung tâm, đài phát thanh, đài truyền hình; chuyên viên trị liệu tâm lý tại bệnh viện,... Mức lương và chế độ đãi ngộ trong ngành này được dự đoán là ngày càng tăng cao. Các bạn trẻ đang có mong muốn trở thành một chuyên gia tư vấn tâm lý trong tương lai thì hãy mạnh dạn và tự tin hơn để quyết chọn chọn ngành này.

15. Ngành giáo dục

        Có lẽ bạn sẽ hơi ngạc nhiên khi thấy ngành giáo dục- một ngành được đánh giá là dư nhân lực nhiều nhất trong mấy năm trở lại đây khi nó xuất hiện trong bảng xếp hạng này. Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng trong tương lai gần, nhóm ngành giáo dục - đào tạo sẽ rất khát nguồn nhân lực trình độ cao.Thế nhưng, hiện nay số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ đào tạo ngành sư phạm và quản lý giáo dục lại đang giảm dần từng năm. Nguyên nhân chính là do tình trạng dư nhân lực quá nhiều trong mấy năm trước. Theo dự báo, nhu cầu giáo viên các ngành sư phạm mầm non, sư phạm tiểu học (chủ yếu là giáo viên tiếng Anh) và nhân viên bảo mẫu... sẽ tăng mạnh trong vài ba năm tới vì toàn ngành giáo dục - đào tạo đang đẩy mạnh thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, đồng thời hoàn tất việc chuyển đổi các trường mầm non bán công trên toàn quốc sang mô hình trường công lập, nên chắc chắn sẽ thu hút một số lượng lớn giáo viên đã được đào tạo bài bản. Theo dự báo, nhu cầu nhân lực của giáo dục mầm non đến năm 2021 khoảng 240.000 người; bình quân mỗi năm tăng 6600 người. Nhu cầu nhân lực của giáo dục tiểu học đến năm 2020 khoảng 522.000 người; bình quân mỗi năm tăng5750 người. Nhu cầu nhân lực của giáo dục THCS dự báo đến năm 2021 khoảng 480.000 người; bình quân mỗi năm tăng 9850 người. Nhu cầu nhân lực của giáo dục THPT đến năm 2021 khoảng 148.000 người. Nếu bạn thực sự yêu thích nghề giáo thì đừng do dự và lo sợ về vấn đề việc làm vì đây là một ngành có nhu cầu nhân lực khá lớn trong tương lai.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 10
Hôm qua : 93
Tháng 01 : 770
Năm 2025 : 770