A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiết thao giảng có đầy đủ các thầy cô trong Ban giám hiệu và tổ môn đến dự. Tôi dạy bài: “Quán Tính”.

     Tôi đã cố gắng truyền đạt khá lưu loát kiến thức, tổ chức cho học sinh tham gia xây dựng bài. Giờ giảng diễn ra khá trôi chảy.

    Sau khi dạy hết bài tôi liền thực hiện bước “củng cố kiến thức” và “liên hệ thực tế”. Tâm đắc với ý đồ đã chuẩn bị trong giáo áo, tôi đặt câu hỏi trước lớp:

    - Trường Phú Bình ta nằm cạnh con sông Cầu, nhiều em phải qua đò ngang để sang trường học. Em nào cho biết, ta đứng ở mũi thuyền, khi con đò cập bến thì ta bị chúi ngã như thế nào?

    - Thưa thầy ngã sấp về trước theo quán tính ạ!

      Có nhiều em nhao nhao đáp lại

 

 

     Tôi phấn khởi thấy các em trả lời đúng “ý đồ” mong muốn của mình, liền nói:

     Các em nêu hiện tượng rất đúng, nhưng sao lại thế nhỉ?

     Vừa nói đến đó, thì ở cuối lớp một học sinh đã đứng lên, chẳng cần giơ tay và chờ tôi cho phép, nói:

   - Thưa thầy riêng em lại ngã ngửa chổng chân lên trời ạ.

 Cả lớp cười ầm lên. Ngoái nhìn lại người nói, các thầy cô ngồi dự giờ cũng cười theo. Tôi nhìn vội học sinh vừa nói, đó là em Tiến học sinh nổi tiếng trong lớp về đùa nghịch, hay phá quấy gây cười. Vừa cho em ngồi xuống, tôi vừa nghĩ ngay (Tiến pha trò cười hay nêu hiện tượng mà em gặp phải? Thôi đúng rồi vấn đề là hướng…). Tôi lấy lại được bình tĩnh tiếp tục vui vẻ nói:

             Hay lắm, Tiến ngã chổng chân lên trời cũng đúng đấy các em ạ.

              Tôi đưa ngang mắt thăm dò “phản ứng” thấy nhiều thầy cô cười, gật gù và tán thưởng nhưng nhiều em học sinh thì đang ngơ ngác.

            Thế này nhé, Tiến đi đò, đứng ở mũi đò, nhưng lại đứng quay mặt về phía nhà, phía lái thuyền (tôi cười vui), do đó khi thuyền dừng lại và chạm bến, Tiến ta mới ngã ngửa là phải, quán tính mà… Lúc này cả lớp mới vỡ lẽ, vui vẻ nhìn Tiến. Còn tôi thì càng thấy “hưng phấn” hơn vì đã làm chủ được một tình huống bất ngờ. Tôi vừa nhìn Tiến mỉm cười thì trống cũng vừa điểm hết giờ.

(Triệu Thị Hoà, GV Ngữ văn trường THPT Khoái Châu sưu tầm trong cuốn “Ứng xử sư phạm”- NGND Trịnh Trúc Lâm, GS-TSKH Nguyễn Văn Hộ)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 333
Hôm qua : 337
Tháng 04 : 8.383
Năm 2024 : 34.122