Tâm huyết với nghề của cô giáo dạy Ngữ văn ở trường THPT Khoái Châu
Cuộc sống hiện đại nhiều đổi thay, góc nhìn của con người về ngành nghề cũng theo đó mà đa diện, đa chiều. Nghề làm thầy cũng vì thế mà không ít người khen, kẻ chê. Nhưng có những thứ, có những người tạo nên giá trị vững bền để người đời trân trọng, mến phục.
Điều mà tôi muốn nhắc, người mà tôi muốn cầm bút để chân thành ngợi ca đó là tấm gương về một cô giáo đã gắn bó gần 30 năm với phấn trắng, bảng đen của nghề dạy học, gắn bó hơn 20 năm với ngôi trường THPT Khoái Châu – nơi mà tôi vẫn tự hào có nhiều người thầy đáng kính từng chắp cánh cho bao thế hệ học trò đến chân trời của những ước mơ để đóng góp cho quê hương, đất nước. Người ấy, rất thân thuộc với thầy trò trường THPT Khoái Châu - Cô giáo Đỗ Thị Minh Hiếu.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ văn của trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, cô về địa phương – quê hương Khoái Châu làm công tác giảng dạy từ năm 1993. Gắn bó với nghề giáo, đồng hành với đồng nghiệp ở nhiều ngôi trường. Cô có hai năm dạy học ở trường Trung học cơ sở Đại Hưng và từng làm Bí thư Chi đoàn giáo viên ở đó. Ba năm tiếp theo, cô được chuyển về công tác tại trường Phổ thông Năng khiếu Châu Giang (nay là trường THCS Nguyễn Thiện Thuật – huyện Khoái Châu) và làm tổ trưởng chuyên môn, rồi Tổng phụ trách đội, rồi thi và đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện.
Từ tháng 9 năm 1997 cho đến nay, ngôi trường mà cô gắn bó, yêu thương; ngôi trường mà cô dành trọn niềm say nghề, sự tận tâm và đóng góp hết mình - trường THPT Khoái Châu.
Giàu kinh nghiệm trong chuyên môn, 28 năm công tác là bấy nhiêu thành tích mà cô đã được các cấp ghi nhận. Sau hai năm ra trường, cô được giao bồi dưỡng học sinh giỏi cấp huyện. Từ năm 2000 cho đến nay, cô liên tục bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh và nhiều học sinh đạt giải cao.
Là giáo viên dạy giỏi cấp trường, tham gia thi và được công nhận giáo viên giỏi tỉnh từ năm 2000; năm 2017 tham gia thi và được công nhận tổ trưởng chuyên môn giỏi cấp tỉnh. Ở trường THPT Khoái Châu, cô là tấm gương điển hình cho việc say mê nghiên cứu khoa học. Ngoài 2 sáng kiến được phòng Giáo dục công nhận, cô đã viết và được Sở Giáo dục đánh giá, xếp loại 16 sáng kiến. Sáng kiến của cô mang tính thực tiễn, được chia sẻ cho nhiều đồng nghiệp học hỏi.
Là một cô giáo dạy văn, không chỉ thắp lên ngọn lửa say mê môn học, cô còn mang những câu chuyện, vần thơ mình viết để truyền đến tình cảm đẹp trong tâm hồn học trò. Cô viết nhiều, cả truyện ngắn, có tản văn và thơ nữa. Truyện ngắn “Chuyện làng xanh” cô Hiếu viết đã được đăng báo Giáo dục (tháng 11/2016). Nhìn cây phượng già góc sân trường thưa dần mùa hoa, mà cảm xúc trong cô dâng trào đến lạ:
Xin em đừng lỗi mùa hoa
Em đừng hờn dỗi với ta làm gì!
Đã từng qua bao mùa thi
Rừng rực nhiệt huyết những khi hè về
Khơi bùng ngọn lửa đam mê
Ước mơ, khát vọng thuộc về thời xanh
Đã từng rực rỡ khắp cành
Nhuộm hồng cả khoảng trời xanh nắng giòn
Đã từng mươn mướt tươi non
Gọi bầy chim đến véo von suốt mùa
Đã từng gội nắng tắm mưa
Sắc màu chói lói bỏ bùa cho ta
Bây giờ sắp đến mùa hoa
Em đừng lỗi hẹn với ta mùa này!
(Em đừng lỗi hẹn mùa hoa)
Thương học trò vì dịch covid chẳng được đến trường học trực tiếp, hiểu người thầy nhọc nhằn khi dạy học trực tuyến, cô cất lên những vần thơ chứa đựng nhiều tâm tư mà không quên động viên đồng nghiệp:
Người ta bàn tán ra vào
Suốt trong cả tháng hôm nào dạy đâu?
Người ta chả hiểu nỗi sầu
Khi trường đóng cửa cô đâu có nhàn!
Thôi thì chớ có thở than
Nghiệp mình mình gắn, phàn nàn ích chi!
Một môn - cô kể làm gì?
Thương trò cả chục môn thì học sao?
Cả ngày mắt cứ dán vào
Thiết bị công nghệ, bảo sao mắt mờ?
Thương chúng chầu trực hàng giờ
Gửi bài - mạng lác, hết giờ: làm sao?
Ngày nảo cũng như ngày nào
Hết học, báo cáo; gửi bao nhiêu bài
Trưa, tối, rồi cả ban mai
Tranh nhau điện thoại nhà ai cũng vầy ( như vậy)
Trẻ con mếu máo, bầy hầy:
“Chả ai chơi với con đây mẹ nài”
Tình hình thì cứ kéo dài
Thù con covid làm ai cũng buồn
Nhưng mà nghĩ tích cực hơn
Thì thấy còn sướng hơn người tuyến trên
Công việc trực chiến triền miên
Mong về quê mẹ-bình yên một ngày!
Hạnh phúc bình dị thôi đây:
Ăn cơm muống luộc, ngủ ngay khì khì ...
Các cô hãy cố gắng đi!
Nghề mình cao quý, nghề gì sánh hơn!
Ngày mai trời sẽ sáng hơn
Nắng về ấm áp, bướm chờn vờn bay
Ngày mai việc sẽ quen tay
Nâng cao công nghệ, có ngay loạt bài!
(Nỗi niềm của cô)
Không chỉ chuyên môn vững vàng, có tài thơ văn, cô giáo Đỗ Thị Minh Hiếu còn được đồng nghiệp ngợi ca bởi có tài viết chữ đẹp. Những bảng hiệu tuyên truyền của trường đều được cô viết bằng nét chữ mềm mại. Cô còn tích cực tham gia những hoạt động phong trào mà Công đoàn phát động: diễn kịch, hát, thi đấu bóng chuyền; tham gia hiến máu nhân đạo…
Cô Đỗ Thị Minh Hiếu tham gia hiến máu
Cô Đỗ Thị Minh Hiếu trổ những nét chữ mềm mại
Đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp giáo dục, cô đã có 14 lần được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở; được vinh danh Nhà giáo tiêu biểu năm học 2015 – 2016; 2017 – 2018; được công nhận là Cá nhân điển hình tiên tiến ngành giáo dục Đào tạo Hưng Yên giai đoạn 2010 – 2015; 7 lần được Sở Giáo dục tặng Giấy khen và được Liên đoàn lao động tỉnh tặng Bằng khen.
Học trò ngưỡng mộ, tôn kính; đồng nghiệp tự hào, mến phục; cha mẹ học sinh tin tưởng, biết ơn… Tấm gương về cô giáo Đỗ Thị Minh Hiếu tạo sức lan toả để cho tôi cố gắng thật nhiều và noi theo.
(Người viết: Lê Thị Nhung – Chủ tịch Công đoàn)